MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị trường điện thoại đối mặt khả năng giảm phát

Thế Lâm LDO | 30/05/2022 19:25

Động thái đầu tiên đến từ Apple, được cho là gần đây đã thông báo với các đối tác sản xuất, lắp ráp điện thoại rằng năm 2022 chỉ xuất xưởng khoảng 220 triệu iPhone.

Con số 220 triệu chiếc iPhone được cho rằng tương đương với mức xuất xưởng năm 2021. Tuy nhiên, điều thường thấy là sản lượng iPhone của Apple sản xuất mỗi năm mỗi tăng. Tuy nhiên, mức dự báo của các hãng phân tích là Apple sẽ cho xuất xưởng khoảng 240 triệu iPhone trong năm 2022 đã không thể giữ vững.

Không khó để có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến việc phải giảm sản lượng iPhone. Đó là lạm phát tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm trở lại đây tại Mỹ - thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất thế giới, khiến việc chi tiêu của người dân phải chắt bóp hơn.

Cùng với đó, tình hình COVID-19 tại Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng ngành điện tử nói chung và điện thoại nói riêng trong thời gian qua, và được dự báo tiếp tục khó khăn trong quý 3 và quý 4 sắp tới.

Hãng nghiên cứu Strategy Analytics gần đây dự báo doanh số smartphone nói chung trên thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2022. Trong khi đó, hãng TrendForce đã hai lần hạ dự báo sản lượng smartphone năm 2022.

Nhưng cái khó chung không chỉ xảy ra với Apple mà ngay cả Samsung – hãng sản xuất điện thoại số 1 thế giới hiện nay – cũng bị tác động không thuận lợi.

Theo đó, kế hoạch ban đầu sản xuất 310 triệu chiếc smartphone của Samsung trong năm 2022 đã phải điều chỉnh giảm xuống còn 280 triệu chiếc, thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2022.

Trên thực tế, cái khó cho các hãng không chỉ ở sức mua. Mà sâu xa hơn, thế giới đang xảy ra cuộc khủng hoảng bán dẫn khiến chip và linh kiện điện tử không đủ nguồn cung, giá cả cũng biến động tăng cao, từ đó các nhà sản xuất thiết bị vừa phải giảm sản lượng vừa phải tính toán về giá bán.

Trong bối cảnh chung trên toàn cầu như vậy, thị trường điện thoại tại Việt Nam được cho rằng có thể cũng bị giảm sức mua, xuất phát từ hai yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là lượng thiết bị nhập khẩu về Việt Nam có thể giảm do cuộc khủng hoảng bán dẫn trên toàn cầu. Trước đó trong quý 1/2022, theo số liệu của Counterpoint, lượng smartphone nhập về Việt Nam đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố thứ hai là lạm phát. Tuy nhiên, tới hết tháng 5.2022, chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam tăng chưa quá mạnh đến mức gây sốc, vì vậy sức mua có bị tác động hay không và tác động đến đâu còn cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới.

Tuy nhiên theo thông lệ, thời điểm sau Tết trở đi đến giữa quý 3 hàng năm là mùa thấp điểm mua sắm trên thị trường điện thoại tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn