MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thiết bị không thể nâng cấp như iPhone sẽ sớm phải đối mặt với những thiết bị bền vững mới. Ảnh: Apple

Thiết bị bền vững, xu hướng đang đi lên trong ngành công nghệ

Anh Vũ LDO | 31/07/2023 15:19

Chúng ta đã quen với việc vứt bỏ các thiết bị công nghệ cũ. Nhưng một loạt công ty mới đang tạo ra những sản phẩm mà họ hy vọng người dùng sẽ gắn bó lâu dài với chúng.

Thay đổi thiết bị là một thói quen đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người tiêu dùng. Họ luôn muốn vứt bỏ công nghệ cũ kỹ và nhàm chán của mình để lấy một thiết bị mẫu mã đẹp hơn mỗi năm và họ tiêu tốn rất nhiều tiền để phục vụ “mong muốn” này.

Nhưng một thế hệ thiết bị công nghệ mới đang được thiết kế để hỗ trợ xu hướng tiêu dùng này. Các thiết bị có thể dễ dàng được người dùng tháo rời, sửa chữa và nâng cấp chứ không phải đổi mới hoàn toàn với một mức giá đắt đỏ.

Từ những sản phẩm thường dùng

Từng là thị trường ngách, những chiếc điện thoại và máy tính xách tay đi theo xu hướng này đang cạnh tranh để giành lấy những khách hàng vốn “trung thành” với các dòng thiết bị nổi tiếng như iPhone và Samsung. Có lẽ, đã đến lúc ngành công nghiệp thực hiện bước nhảy để thay đổi tư duy của người tiêu dùng?

Một trong những người đi đầu trong cuộc cách mạng thiết bị có thể sửa chữa, nâng cấp là Fairphone, một công ty mới nổi của Hà Lan với chiếc điện thoại thông minh cùng tên của hãng, hiện đang ở thế hệ thứ tư.

Fairphone 4 là một thiết bị di động chạy hệ điều hành Android với tất cả các tính năng thông thường, bao gồm cả khả năng chống nước, được gói gọn trong một thiết kế hơi “mập mạp”, che giấu hoàn toàn các bộ phận dạng mô-đun.

Fairphone 4 cho phép người dùng dễ dàng tự nâng cấp thiết bị của mình. Ảnh: Fairphone

Thiết kế mô-đun của nó cho phép người dùng mở mặt sau và thay pin, trong khi các bộ phận khác cũng dễ dàng được tháo rời với một tuốc nơ vít nhỏ. Fairphone thậm chí còn cung cấp thời hạn bảo hành năm năm, nhằm mục đích cung cấp các bản cập nhật trong tối đa bảy năm với giá 499 bảng Anh. Tuy nhiên, người dùng vẫn có những lựa chọn thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như một số ít điện thoại Nokia với các bộ phận người dùng có thể thay thế.

Máy tính xách tay cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hầu hết các máy tính từng được thiết kế theo dạng mô-đun và có thể nâng cấp. Thế nhưng, trong những năm gần đây, chúng ngày càng có xu hướng trở thành những “chiếc hộp kín” không thể tháo rời.

Framework, một công ty khởi nghiệp của Mỹ, đã thay đổi điều đó với Laptop 13 thế hệ thứ ba và máy tính chơi game Laptop 16 sắp ra mắt.

Laptop 13 trông giống như một máy tính xách tay tiêu chuẩn chạy Windows hoặc Linux. Nhưng nó được thiết kế để dễ dàng tháo rời với bộ nhớ, thẻ lưu trữ có thể thay thế và nâng cấp dễ dàng. Các cổng kết nối ở hai bên của nó cũng có thể dễ dàng thay đổi. Ngoài ra, còn có một bộ dụng cụ đi kèm được cung cấp nếu người dùng muốn tự lắp toàn bộ máy tính tại nhà.

Framework là công ty đầu tiên đưa máy tính xách tay vào danh mục có thể nâng cấp, thích hợp để trở thành xu hướng chủ đạo mới.

Tới các thiết bị phụ kiện

Bên ngoài một nhóm nhỏ các thương hiệu cao cấp, tai nghe đã trở thành mặt hàng dùng một lần trong nhiều thập kỷ qua. Việc sử dụng pin cho các kiểu tai nghe không dây đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi gia tăng lượng chất thải vào môi trường.

Cũng vì thế, công ty Aiaiai của Đan Mạch, đã sản xuất tai nghe dạng mô-đun từ năm 2010, cho phép người dùng dễ dàng hoán đổi các bộ phận khác nhau, ngoài cáp và đệm tai.

Các phụ kiện như tai nghe cũng đang dần đi theo xu hướng bền vững. Ảnh: Aiaiai

TMA-2 là tai nghe có nhiều biến thể khác nhau, bao gồm phiên bản Bluetooth và phiên bản DIY do người dùng tự lắp ráp. Điều duy nhất họ không cung cấp là tính năng khử tiếng ồn và nếu muốn, chúng sẽ được bán với mức giá không hề rẻ cho các phiên bản Bluetooth.

Một ứng cử viên khác là Fairphone's Fairbuds XL, một bộ tai nghe không dây, chống ồn mà người dùng hoàn toàn có thể tháo rời. Các mô-đun, bao gồm cả pin, có thể được thay thế chỉ bằng một cái móng tay.

Bên cạnh những sản phẩm tiên tiến này, còn nhiều thương hiệu lớn cũng đang dần cải thiện tính bền vững của các sản phẩm chủ đạo. Một xu hướng tích cực khác là sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn. Apple, Google và Samsung hiện nay đều sử dụng nhựa và kim loại tái chế trong điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị khác. Cả ba cũng cung cấp một số mức độ tự sửa chữa nhất định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn