MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiềm năng của thị trường IoT tại Việt Nam rất lớn. Ảnh: Châu Phạm

Tiềm năng to lớn của thị trường IoT Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 20/12/2023 18:32

Theo báo cáo, thị trường IoT (Internet vạn vật) tại Việt Nam có quy mô lên đến hơn 6 tỉ USD trong năm 2023, qua đó mang đến rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân.

IoT đề cập đến sự kết nối của hàng tỉ thiết bị phức tạp như thiết bị điện tử, cảm biến, cổng kết nối, thiết bị truyền động và trung tâm nền tảng. Các thiết bị hữu hình này kết nối và tương tác với nhau qua mạng không dây, mà không cần bất cứ sự can thiệp nào của con người.

IoT là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, với qui mô thị trường đạt 293,2 tỉ USD trong năm 2023 và dự kiến đạt hơn 621 tỉ USD vào năm 2030 (theo Statista).

Thế giới hiện có 15 tỉ kết nối IoT, tức trung bình mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua Internet.

Tại Việt Nam, theo Research and Markets, qui mô thị trường IoT đạt 6,23 tỉ USD trong năm 2023 và sẽ tăng lên hơn 13,1 tỉ USD năm 2028, với tốc độ tăng trưởng 16,04%/năm trong giai đoạn từ năm 2023-2028.

Ông Châu Phạm (ngoài cùng bên trái) đánh giá cao tiềm năng của thị trường IoT Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng

“Thị trường IoT Việt Nam khá tốt, mới phát triển nhưng tiềm năng. IoT có phạm vi rất rộng, chỉ riêng smarthome đã có quy mô thị trường là 270 triệu USD năm 2023, đến năm 2028 có thể đạt trên 500 triệu USD, phục vụ cho hơn 5,6 triệu gia đình, theo Statista. Nhưng smarthome chỉ là một phần nhỏ trong IoT, ngoài ra còn nhiều mảng khác khác”, ông Châu Phạm – Giám đốc phát triển kinh doanh MediaTek tại Việt Nam chia sẻ với Lao Động.

Có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên số lượng kết nối IoT tại Việt Nam chưa nhiều, chỉ bằng 1/20 so với thế giới. Theo nghiên cứu của Deloitte Đông Nam Á, đến năm 2027, Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT.

Các ứng dụng IoT đã và đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam có: thành phố thông minh, nhà thông minh (smarthome), quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý giao thông, quản lý chất lượng nước và nhiều ứng dụng khác.

Cũng theo ông Châu, để có thể phát huy tốt tiềm năng của IoT tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải đi cùng nhau. Ông nói: “Không một ai có thể làm mọi thứ trong IoT. Chẳng hạn trong một thiết bị IoT đã có rất nhiều bên tham gia làm, từ đơn vị làm chipset như MediaTek, đơn vị làm modun.

Để bán sản phẩm này cần một đơn vị khác và thiết bị này lại sử dụng kết nối của các đơn vị như Viettel… Nhìn chung, IoT sử dụng nhiều dịch vụ và sản phẩm từ các đơn vị khác nhau, do đó việc các đơn vị phối hợp với nhau là điều cần thiết”.

Nhìn chung, IoT tại Việt Nam có tiềm năng lớn, qui tụ sự tham gia nhiều doanh nghiệp công nghệ có trị giá hàng tỉ đô như Intel, Nokia, Qualcomm, MediaTek, Advantech... bên cạnh các đơn vị lớn của Việt Nam.

Thời gian tới, các bên sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng IoT Việt Nam, qua đó tìm ra hướng đi phù hợp nhất để áp dụng cho sự phát triển IoT trên diện rộng trong ngành điện, nước, chiếu sáng đô thị cũng như giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho smarthome, ôtô thông minh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn