MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chip đột ngột đảo chiều từ thiếu sang thừa đã gây ảnh hưởng mạnh đến các nhà sản xuất bán dẫn. Ảnh chụp màn hình

Tình trạng dư thừa chip khiến các nhà sản xuất bán dẫn gặp khó khăn

Diễm Quỳnh LDO | 15/07/2022 19:00
Thị trường chip điện tử bắt đầu chuyển từ tình trạng thiếu sang thừa khiến các nhà sản xuất bán dẫn đối mặt với nhiều thách thức. 

Khủng hoảng chip từ thiếu sang thừa

Do lo ngại về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử đã tham gia cuộc chạy đua tích trữ chip.

Tình trạng thiếu hụt chip vẫn kéo dài cho đến vài tuần gần đây, do một vài nhà máy ở Trung Quốc tạm thời đóng cửa cùng những ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị. 

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đột ngột từ thiếu chip sang thừa chip từ cuối tháng 5. Nguyên nhân được cho là bởi những đợt phong toả mới ở Trung Quốc và cuộc xung đột ở Ukraina đã khiến nhu cầu người tiêu dùng giảm mạnh, đặc biệt ở các lĩnh vực thiết bị điện tử như máy tính hay điện thoại thông minh.

Cuối tháng 6, công ty sản xuất chip nhớ Micron Technology Inc cho biết họ sẽ giảm sản lượng. Giám đốc kinh doanh Sumit Sadana thừa nhận, sự đảo chiều của thị trường đã khiến công ty mất cảnh giác. 

Sau tin xấu của Micron, nhà kinh tế Dan Hutcheson của TechInsights cảnh báo sẽ có nhiều tin tức tồi tệ xảy ra khi mùa báo cáo doanh số chip của Mỹ bắt đầu vào cuối tháng này. 

Những lo lắng về sự suy thoái của ngành đã ảnh hưởng đến cổ phiếu chip. Chỉ số Philadelphia Semiconductor, vốn được coi là cơ sở để đánh giá những gã khổng lồ trong lĩnh vực chip nhớ như Advanced Micro Devices hay Nvidia Corp đã giảm 38% tính từ đầu năm nay. 

Trước đó, mua chip “đúng lúc” là tiêu chuẩn của các công ty bảo thủ về mặt tài chính. Họ chỉ đặt hàng các bộ phận càng gần với thời gian sản xuất càng tốt để tránh tình trạng hàng tồn kho, giảm công suất nhà kho và cắt giảm chi tiêu trả trước. 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến các công ty cố gắng mua và tích trữ thật nhiều chip để đảm bảo việc sản xuất vẫn được tiếp diễn, giống hệt thời điểm người tiêu dùng đổ xô mua giấy vệ sinh. 

Ảnh hưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực 

Reuters cho rằng, khủng hoảng dư thừa chip sẽ ảnh hưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực. 

Tristan Gerra, nhà phân tích cao cấp về chất bán dẫn của Baird, nhận định các nhà cung cấp chip lớn cho các hãng sản xuất đồ điện tử tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế. 

Không chỉ vậy, những công ty thiết kế chip đặc thù cho card đồ hoạ chơi game hay khai thác tiền tiện tử cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. 

"Sẽ có một cú sụt giảm nữa về giá, nhất là khi thị trường tiền số đang trên đà sụp đổ", Gerra nói.

Nhà phân tích Matt Bryson của Wedbush cho biết những công ty chip ít bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng dư thừa là các nhà cung cấp của Apple, chẳng hạn như nhà máy sản xuất chip hàng đầu thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. Họ vẫn phải tăng cường sản xuất do nhu cầu cao từ Apple và các đối tác khác. 

Còn theo nhà phân tích Tristan Gerra, các nhà sản xuất chip cung cấp ô tô và trung tâm dữ liệu cũng sẽ phát triển mạnh bởi nhu cầu đối với chất bán dẫn loại này chưa có dấu hiệu suy giảm. Việc dư thừa sẽ chỉ xảy ra đối với các loại chip ít quan trọng hơn, ví dụ như chip tần số vô tuyến RF. 

Nhà phân tích Mark Lipacis của Jefferies cho biết lượng chip tồn kho trong quý đầu tiên đã đạt mức cao kỷ lục tại các công ty dịch vụ sản xuất điện tử chủ chốt. Theo ông, các nhà sản xuất có thể quyết định sử dụng hết chip trong kho thay vì mua mới và hủy đơn đặt hàng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn