MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Lê Quang Tự Do. Ảnh: Ban tổ chức

Trang bị kiến thức để nhận diện, phòng chống tin giả

Khánh An thực hiện LDO | 14/10/2023 08:19

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã phát động chương trình chống tin giả nhằm truyền thông nâng cao ý thức người dùng internet tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Lê Quang Tự Do chia sẻ cách hiệu quả để mỗi người dân có thể trang bị cho bản thân vaccine chống tin giả.

Trong kỷ nguyên mà nhu cầu về thông tin của người dân rất lớn, thì tin giả lại càng có nguy cơ gây ra tác hại mạnh mẽ. Vậy thực trạng sản xuất tin giả tại Việt Nam đang diễn ra thế nào, thưa ông?

- Tin giả không phải mới xuất hiện. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tin giả xuất hiện ngay từ khi xuất hiện con người, vì có con người là sẽ có thông tin và sẽ có tin đúng tin sai. Nhưng lúc này, sự phát triển của internet và công nghệ đã tạo ra một cơ hội chưa từng có để lan truyền tin giả.

Ở nước ta, rất nhiều những trường hợp tung tin giả đã bị xử lý, thậm chí là bị xử lý hình sự. Đơn cử vào năm 2021, rất nhiều tin giả liên quan đến COVID-19. Trong đó, tin giả được chia sẻ nhiều nhất là “ngày mai sẽ phong tỏa, ngày kia thực hiện Chỉ thị 16, ngày mốt siêu thị đóng cửa”... Điều này tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến người dân đổ xô đi mua hàng, tháo chạy ra khỏi thành phố và vô tình làm lây lan dịch bệnh.

Đối với sự phát triển công nghệ, quan điểm quản lý Nhà nước xác định đó là những thành tựu vĩ đại của loài người đạt được. Nhưng đi kèm với đó phải có biện pháp ngăn chặn mặt trái. Sau một thời gian, chúng tôi thấy rằng, cuộc rượt đuổi với tin giả không có hồi kết, mà quan trọng nhất phải là ý thức của mỗi con người. Mỗi người mà trang bị được vaccine, bộ lọc thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với cách của cơ quan quản lý. Nếu chúng ta có vaccine chống tin giả “Anti Fake News” thì chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều tin giả.

Liệu đây có phải là lý do Bộ TTTT quyết định phát động chương trình phòng, chống tin giả trên mạng?

- Đây là lần đầu tiên, Bộ TTTT tập hợp, kết nối được với rất nhiều các KOL (người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng ở trên mạng để cùng tham gia vào chiến dịch truyền thông mà chúng tôi rất kỳ vọng sẽ tạo được sự lan tỏa lớn - đó là chống tin giả. Chiến dịch kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng.

Đồng thời, tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung và tạo không gian gặp gỡ cho những người tham gia vào quá trình xuất bản thông tin trên không gian mạng có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề.

Câu chuyện chống tin giả không phải câu chuyện “một sớm một chiều”. Vậy Bộ TTTT đã có những giải pháp kéo dài như thế nào sau chiến dịch lần này?

- Việc phòng, chống tin giả là một cuộc chiến lâu dài. Vậy nên, đây là một trong những hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng và nó sẽ được đổi mới theo hàng năm, theo những sự phát triển mới của công nghệ. Tất cả những hoạt động này sẽ liên tục được Bộ TTTT triển khai, không phải chỉ trong một ngày, một thời điểm mà nó sẽ là một chuỗi hoạt động rất dài hơi.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân, Bộ TTTT đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội như thế nào để có những biện pháp lọc, kiểm soát tin giả?

- Bộ TTTT đã triển khai rất nhiều biện pháp như giám sát, phát hiện những nội dung thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, tin giả trên mạng. Chúng tôi cũng đẩy mạnh những biện pháp như xử lý nghiêm đối tượng tung tin giả.

Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các nền tảng, chủ yếu là các nền tảng xuyên biên giới phải tăng cường, có những bộ lọc kiểm duyệt, rà quét để ngăn chặn những nội dung tin giả xuất hiện trên nền tảng của mình.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn