MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ViGPT ra mắt đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tạo sinh tại Việt Nam. Ảnh: Đức Hoàng

Trí tuệ nhân tạo Việt Nam kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đóng góp 14.000 tỉ đồng

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 03/01/2024 07:24

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động tới hiệu suất và cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho doanh nghiệp, mà ở tầm vóc quốc gia. Đồng thời sẽ đóng góp hàng chục nghìn tỉ đồng cho kinh tế số Việt Nam.

Người Việt làm chủ về công nghệ nhiều sản phẩm AI

Tại Việt Nam, người dùng rất quan tâm đến các nội dung như “trí tuệ nhân tạo ChatGPT”, “lợi ích của trí tuệ nhân tạo”, “phần mềm trí tuệ nhân tạo”… Ngoài các ứng dụng đình đám trên thế giới của OpenAI, Microsoft, Google… người dùng cũng tìm hiểu những sản phẩm AI do người Việt Nam làm ra.

Năm 2023 chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm AI do người Việt làm chủ về công nghệ. FPT ra mắt FPT AI Mentor - cố vấn đào tạo trong doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam; LovinBot ra mắt 2 sản phẩm là trợ lý viết content AI dành cho cá nhân và doanh nghiệp; VinAI công bố dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt là “PhởGPT” hay mới đây VinBigdata chính thức cho ra mắt phiên bản ChatGPT dành cho cho người dùng cuối tại Việt Nam mang tên ViGPT…

Đến năm 2030 sẽ đóng góp 14.000 tỉ đồng

Ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot AI, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) cho biết: “Năm 2023 là một năm rất đặc biệt khi nhắc tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với tốc độ phát triển AI đáng kinh ngạc ở cấp độ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực AI tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030”.

Theo ông, sự phát triển của AI sẽ tác động tới hiệu suất và cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho doanh nghiệp, mà ở tầm vóc quốc gia. Ông Đặng Hữu Sơn nói: “Việt Nam dẫn đầu một khảo sát cho thấy người dân rất quan tâm đến AI, tới 91% người tham gia khảo sát bày tỏ sự hứng thú với công nghệ này - tỉ lệ cao nhất so với các thị trường khác được nghiên cứu, theo Finastra Financial Services.

Ông Nguyễn Kim Anh - Giám đốc sản phẩm của VinBigdata - cho biết, phiên bản cộng đồng của ViGPT sẽ tập trung vào những đặc trưng về văn hóa, lịch sử, những cái người Việt cần lưu giữ và phát triển cho thế hệ sau. Phiên bản này sẽ miễn phí cho các đơn vị phi lợi nhuận, đặc biệt là các trường học, nhưng đơn vị triển khai sẽ phải trả các chi phí về hạ tầng như cloud hay các tài nguyên khác khi sử dụng.
Ngoài ra, VinBigdat cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) ứng dụng phiên bản ViGPT cho những thông tin liên quan đến pháp luật, các nghị định, chính sách của bộ. Đây là cơ sở để người dân có thể vào trang web của Bộ TTTT để trực tiếp tra cứu nội dung, là một cách để phục vụ cộng đồng.

Gần đây, Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) ra mắt với sự bắt tay của 17 đơn vị doanh nghiệp là các trường đại học và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức và kỹ năng số thực tế.

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, từng chia sẻ để kinh tế số TPHCM cần có lộ trình về chính sách phát triển theo từng giai đoạn, chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, phổ cập hóa ứng dụng AI, đẩy mạnh đào tạo nhân lực số… Cũng theo ông Tuấn, kinh tế số TPHCM sẽ dựa trên 4 trụ cột gồm: Công nghiệp ICT, chuyển đổi số các ngành công nghiệp, quản trị số, giá trị hóa dữ liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn