MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chip của công ty Micron (Mỹ) đã bị Trung Quốc từ chối với lý do bảo mật thông tin. Ảnh: Wall Street Journal

Trung Quốc từ chối chip Mỹ vì rủi ro bảo mật

Anh Vũ LDO | 22/05/2023 09:59

Trung Quốc cho biết, chip của công ty Micron (Mỹ) sản xuất đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng và họ sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty này.

Theo Reuters, quyết định này được công bố trong bối cảnh tranh chấp về công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể bao gồm các lĩnh vực từ viễn thông đến vận tải và tài chính, theo định nghĩa chung của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.

"Đánh giá cho thấy, các sản phẩm của Micron có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc", Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết trong một tuyên bố.

Micron cho hay, họ đã nhận được thông báo của CAC về kết luận đánh giá các sản phẩm của công ty được bán ở Trung Quốc và mong muốn "tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc." CAC không cung cấp thông tin chi tiết về những rủi ro mà họ đã tìm thấy cũng như những sản phẩm nào của Micron sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà phân tích của Jefferies dự kiến điều này ​​sẽ có tác động hạn chế đối với Micron vì khách hàng chính của họ ở Trung Quốc là các công ty điện tử tiêu dùng như nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính, không phải nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.

"Vì các sản phẩm DRAM và NAND của Micron ít hơn nhiều trong các máy chủ, nên chúng tôi tin rằng, phần lớn doanh thu của họ ở Trung Quốc không được tạo ra từ các công ty viễn thông và chính phủ. Do đó, tác động cuối cùng đối với Micron sẽ khá hạn chế" - họ cho biết trong một lưu ý.

Micron sản xuất chip bộ nhớ flash DRAM và NAND và cạnh tranh với Samsung Electronics của Hàn Quốc và SK Hynix cũng như Kioxia của Nhật Bản, một đơn vị của tập đoàn Toshiba.

Christopher Miller - giáo sư tại Đại học Tufts và là tác giả của cuốn sách "Cuộc chiến chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới" - cho hay, thời điểm công bố của CAC rất quan trọng, diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Nhật Bản".

Hành động của chính phủ Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của một số nhà sản xuất chip trong nước tăng. Ảnh AFP 

Tuần trước, Micron đã công bố kế hoạch đầu tư tới 500 tỉ yên (3,7 tỉ USD) vào Nhật Bản, tập trung vào công nghệ cực tím, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên mang công nghệ sản xuất chip tiên tiến đến quốc gia hiện đang tìm cách khôi phục lĩnh vực chip của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21.5 cho biết, các quốc gia G7 đã đồng ý "giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc". Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập một sáng kiến để chống lại "sự ép buộc" về kinh tế.

Trung Quốc đã công bố đánh giá các sản phẩm chip của Micron vào cuối tháng 3. Công ty cho hay, vào thời điểm đó, họ đang hợp tác và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn bình thường.

Micron có khoảng 10% doanh thu từ Trung Quốc, nhưng không rõ liệu quyết định này có ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của công ty cho các khách hàng không phải người Trung Quốc tại quốc gia này hay không.

Theo Jefferies, công ty đã tạo ra 5,2 tỉ USD doanh thu từ Trung Quốc và Hong Kong vào năm ngoái, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu.

Cổ phiếu của một số công ty liên quan đến sản xuất chip bộ nhớ của Trung Quốc đã tăng vào ngày 22.5, sau khi Trung Quốc không chấp nhận các sản phẩm của Micron Technology.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn