MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung thành 4G hay đổi sang 5G?

Khương Duy LDO | 02/09/2024 10:00

Mạng 5G là câu chuyện của tương lai gần với lợi thế nâng cao trải nghiệm… Tuy nhiên, 5G tại Việt Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc triển khai.

5G là thế hệ mạng di động tiếp theo của 4G, được thiết kế cho phép vạn vật kết nối với nhau, giữa người với người và người với thiết bị. Ảnh: Phan Anh

Ngay từ khi xuất hiện, 5G đã lập tức được ví như cuộc cách mạng viễn thông, hứa hẹn mang đến nhiều đột phá trong tương lai.

Mặc dù đã được thử nghiệm tại Việt Nam trong vài năm gần đây, độ phổ biến của công nghệ 5G đến đại chúng vẫn tương đối yếu thế so với mạng 4G. Vùng phủ công nghệ 5G của các nhà mạng giai đoạn này tương đối thấp, chủ yếu mang tính chất trải nghiệm đối với người dùng chứ chưa thực sự có giá trị sử dụng hàng ngày so với công nghệ 4G hiện đã được các nhà mạng phủ sóng toàn quốc.

5G cho tốc độ truy cập ấn tượng, nhưng hơn hết 4G mới chính là mạng sở hữu đông đảo người dùng với con số gần như tuyệt đối (99,8%). Sở dĩ có sự chênh lệch này là do mạng 5G hiện tại vẫn còn một số điểm tồn tại.

Cuộc khảo sát mới nhất từ Canalys cho thấy, người dùng quan tâm nhiều hơn đến các tính năng khác như thời lượng pin và dung lượng lưu trữ thay vì tốc độ mạng mà 5G mang lại.

Đặc biệt, vấn đề giá thiết bị đầu cuối được trang bị 5G và vùng phủ thấp chính là những rào cản lớn đối với khách hàng, dẫn đến việc mặc dù xuất hiện được vài năm tại Việt Nam nhưng khách hàng vẫn khá thờ ơ với công nghệ này.

Xét về mặt kỹ thuật, mạng 5G có tốc độ download nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ mạng 4G. 5G còn có độ trễ thấp, độ tin cậy cao, dung lượng mạng lớn, tính khả dụng cao hơn và trải nghiệm thống nhất hơn cho người dùng. Theo báo cáo của Ericsson Mobility vào tháng 6.2023, tổng lưu lượng dữ liệu di động 5G ước tính đạt khoảng 93 Exabyte mỗi tháng vào cuối năm 2022 và dự kiến ​​đạt 329 EB mỗi tháng vào năm 2028.

Còn trên thực tế, công nghệ 5G vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai trên thế giới và Việt Nam. 5G được cho là kẻ thủ của thời lượng pin, vì làm hao pin nhanh hơn 4G. Samsung cho biết: “Hiện tại, mạng 5G chỉ được dùng cho kết nối dữ liệu, chưa có khả năng gọi thoại thông thường và gửi nhận tin nhắn SMS.

Điện thoại phải duy trì kết nối mạng 3G hay LTE (4G) song song với 5G thì mới có thể thực hiện các chức năng này. Do điện thoại kết nối với nhiều mạng cùng một lúc, pin sẽ tụt nhanh hơn, điện thoại cũng nóng hơn so với khi kết nối 3G hay 4G".

Ngoài ra, 5G còn yêu cầu chi phí phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng khá cao vì phải xây dựng thêm ăng-ten và trạm 5G ở khắp nơi. Mỗi trạm gốc 5G chỉ bao phủ vùng phủ sóng bằng khoảng 1/3 so với vùng phủ sóng mạng 4G nhưng lại yêu cầu điện năng gấp 3 lần/ đơn vị.

Điều này có nghĩa là mạng 5G tăng chi phí điện năng và lượng khí thải carbon gấp 9 lần 4G. Việc thích nghi và cập nhật ứng dụng để hoạt động tối ưu trên mạng 5G cũng đòi hỏi thời gian và chi phí lớn từ các nhà phát triển. Bởi vậy, trong thời gian ngắn đòi hỏi các ứng dụng công nghệ đồng bộ hóa với 5G là điều không thể.

Phần lớn các thiết bị tích hợp 5G hiện nay đều nằm ở phân khúc giá cao vì các linh phụ kiện như bộ vi xử lý, modem, ăng ten… đời mới. Điều này đẩy giá bán của sản phẩm lên cao, gây tốn kém đối với đa số khách mua hàng. Trong khi đó, nhu cầu giải trí và tiện ích hàng ngày của khách hàng, 4G vẫn hoàn toàn đáp ứng tốt với tốc độ ổn định nên đa số khách hàng chưa sẵn sàng nâng cấp thiết bị.

Một số chuyên gia cho rằng, 5G tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai: "5G đòi hỏi hạ tầng viễn thông mạng phổ rộng và tốc độ cao, nó tạo ra vấn đề về việc đầu tư hạ tầng kết nối. Để có mạng 5G chạy tốt phải có mạng kết nối cáp quang giữa các trạm phát rất nhiều, dày đặc mới thực hiện được”.

5G vẫn sẽ là công nghệ chủ chốt, hướng tới nâng cao trải nghiệm và tạo ra nhiều giá trị cho người dùng trong tương lai. Để làm được điều này cần đến rất nhiều sự nỗ lực của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng tích hợp công nghệ 5G. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chung tay phát triển đồng bộ hạ tầng mạng lưới, sản xuất thiết bị để mọi người dùng đều có thể tiếp cận với công nghệ 5G trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn