MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Công ty Google tại Thung lũng Silicon, tháng 10.2017. Ảnh: THÙY ÂN

Tuyên chiến với những gã khổng lồ Facebook, Google

Thành Lương LDO | 25/11/2017 21:18
Sau khi cấm LinkedIn hoạt động, các nhà quản lý Nga có thể chuyển sự chú ý tới Facebook và chặn truy cập của họ tới người dùng ở quốc gia đông dân thứ chín trên thế giới.

Chơi hay nghỉ?

Theo một quan chức Nga, chính quyền nước này có thể ngăn cản Facebook hoạt động trên lãnh thổ nước này, nếu công ty không tuân thủ luật về lưu trữ dữ liệu của Nga.

Hôm thứ ba, 21.11, ông Alexander Zharov - người đứng đầu Cơ quan giám sát viễn thông Nga - cho biết, một số thành viên trong ban điều hành Facebook sẽ đến Nga vào cuối năm nay hoặc đầu tháng 1.2018 để thảo luận về việc tuân thủ các quy định của Nga. Từ tháng 9.2015, luật pháp Nga yêu cầu các công ty Internet nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng Nga trên các máy chủ trong nước.

Hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời ông Zharov nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ thảo luận với họ về tất cả các vấn đề, bao gồm việc nội địa hoá cơ sở dữ liệu và xóa bỏ các nội dung bị cấm”.

Facebook có thể chịu cú sốc lớn nếu mất khả năng truy cập tới người dùng ở quốc gia đông dân thứ 9 trên thế giới. Với Facebook đó là mối đe dọa sau việc Nga áp dụng với LinkedIn...

Bất chấp những rắc rối của LinkedIn, các quan chức Nga vẫn tiếp tục cho phép Facebook và Twitter hoạt động trong nước. Một nguồn thạo tin nói rằng, Twitter đã đồng ý xem lại luật của Nga, vốn chỉ chú trọng vào các nhà quảng cáo, và nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào được đưa ra. Twitter hiện không có văn phòng hoặc duy trì bất kỳ máy chủ nào ở Nga.

“Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ với đại diện của chính phủ tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động”, một phát ngôn viên của Facebook cho biết. Facebook được cho là đang tiến hành thảo luận việc mở một văn phòng đại diện ở Nga, nhưng, thông tin này không được ông Zharov xác nhận.

Vào tháng 8.2015, Hãng thông tấn Sputnik News của Nga đưa tin, Trưởng ban Chính sách công khu vực Đông Âu của Facebook cho biết, công ty này không cho là cần thiết phải lưu trữ dữ liệu người dùng Nga trên các máy chủ đặt tại Nga.

Một người phát ngôn của Facebook sau đó xác nhận, Facebook không lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào trên các máy chủ của Nga và không có văn phòng đặt tại quốc gia này.

Thương mại và trách nhiệm pháp lý

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh việc bổ sung các biện pháp bảo vệ pháp lý trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm hạn chế trách nhiệm của những người khổng lồ Internet, như Google và Facebook.

Động thái này là dấu hiệu mới về cuộc chiến tranh pháp lý kéo dài giữa chính quyền và các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến suốt thời gian qua, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách muốn cân bằng việc giám sát nội dung các trang web với nhu cầu bảo vệ tự do ngôn luận.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer, đưa ra đề xuất này trong một bản danh sách các vấn đề quan tâm của nước này (mới được cập nhật) về NAFTA, được công bố trong vòng đàm phán thứ năm, mới kết thúc hôm 21.11.2017.

Nó được đưa ra trong bối cảnh các Thượng nghị sĩ Mỹ đang tiến hành thảo luận về một dự luật, được hậu thuẫn bởi con gái của Tổng thống, Ivanka Trump, và Giám đốc điều hành của Facebook Inc. - bà Sheryl Sandberg, nhằm loại bỏ các nghĩa vụ pháp lý đối với các trang web, vốn được biết đến là cổ xúy cho nạn buôn bán tình dục trực tuyến. Một số công ty công nghệ cao khác và những người ủng hộ cho rằng luật này sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp của họ.

Mỹ đang gây áp lực cho Canada và Mexico - hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này - đồng ý hạn chế “trách nhiệm dân sự của các nền tảng trực tuyến đối với nội dung của bên thứ ba”, theo danh sách các ưu tiên đàm phán của Hoa Kỳ công bố ngày 17.11.

Canada và Mexico đã bác bỏ đề xuất của Hoa Kỳ - theo lời 4 quan chức quen thuộc với các cuộc đàm phán - đề nghị được giấu tên. Canada không tin rằng loại hình cung cấp này thuộc phạm vi điều chỉnh trong một hiệp định thương mại, và cũng thường phản đối việc giảm trách nhiệm pháp lý đối với các công ty Internet. Xét về hình thức mà nói, động thái này của chính quyền Mỹ là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ - Mỹ đang nỗ lực để bảo vệ Thung lũng Silicon trong một hiệp định thương mại, đẩy mạnh chính sách vượt ra ngoài biên giới của mình.

Biểu hiện căng thẳng

Mỹ có một bộ luật (thông qua năm 1996) cho phép bảo vệ các trang web khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì người dùng của họ đăng tải. Nhiều người trong cuộc nói rằng chính điều đó cho phép Internet phát triển.

Vì các trang web liên quan đến mại dâm đưa ra các quy định về nội dung của bên thứ ba, như một biện pháp phòng vệ của họ, một nhóm lưỡng đảng, gồm hơn 40 Thượng nghị sĩ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman, đã tìm cách tạo ra các ngoại lệ về luật để trừng phạt những người cố ý buôn lậu ma túy hoặc khiêu dâm trẻ em trên các trang web. Hạ viện Mỹ cũng có luật điều chỉnh về vấn đề này.

Các nhà lập pháp cho rằng, đề xuất của họ là hẹp và không gây tổn hại cho các trang web lớn hơn, trong khi những người ủng hộ kỹ thuật bao gồm Hiệp hội Internet - trong đó có Facebook, Alphabet Inc., Twitter Inc. và những công ty khác lập luận rằng trong quá khứ, các quy định này có thể dập tắt biểu hiện tự do và ngăn cản những nỗ lực thiện chí để tự vệ.

Cuộc chiến chống lại nghĩa vụ pháp lý là một trong những vấn đề gây nhức đầu đối với chính phủ Mỹ. Facebook và Google đã phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ, sau những thông tin về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thông qua các nền tảng web và các câu hỏi về quy mô và sức mạnh ảnh hưởng của các công ty này đối với người dùng dịch vụ của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn