MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone đã xây dựng được hệ thống chặn tin nhắn rác khá hiệu quả. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Vẫn chưa có lời giải cho cuộc gọi rác

ĐỨC THÀNH LDO | 07/10/2017 12:00
Tại hội nghị giao ban Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, đại diện các nhà mạng đều công bố những số liệu tích cực về hạn chế tin nhắn rác. Tuy nhiên, không thấy nhà mạng nào đề cập tới số liệu xử lý các cuộc gọi rác, cũng không có giải pháp nào được đưa ra để giải quyết vấn đề này.

Đã có giải pháp hiệu quả xử lý tin nhắn rác

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước của Bộ TTTT quý III/2017 ngày 2.10, các nhà mạng khẳng định tình hình tin nhắn rác đã được hạn chế. Số liệu của VNPT cho thấy, trong tháng 9 đã chặn khoảng 56.000 tin nhắn rác, 713 số thuê bao bị chặn. “Lượng tin nhắn rác đã giảm hẳn, chỉ bằng 1/4 so với thời gian trước” - đại diện VNPT cho biết.

Trong khi đó, đại diện Viettel thông tin đã chặn hơn 5.000 thuê bao, với khoảng 5 triệu tin nhắn rác bị chặn. Trong đó, khoảng 1 triệu tin nhắn ngoại mạng đã bị chặn, còn lại là tin nhắn nội mạng. Đại diện Viettel cũng cho biết thêm đang tiếp tục làm việc với các nhà mạng để nâng cao khả năng chặn tin nhắn rác.

Với MobiFone, đến giữa tháng 9 đã khóa 950.000 thuê bao. Riêng quý III đã khóa 47.850 thuê bao, số lượng tin nhắn rác cũng giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone đã xây dựng được hệ thống chặn tin nhắn rác khá hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn tin nhắn rác từ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile vẫn chiếm số lượng lớn và chưa được khắc phục một cách tích cực. Bộ TTTT đang tiếp tục yêu cầu Vietnamobile cần phải đầu tư thiết bị kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ này.

Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết đã tổng hợp được 160.000 mẫu tin nhắn rác để ngăn chặn theo tiêu chí chọn mẫu câu chứ không chỉ chặn theo từ khóa như trước đây. Sắp tới, khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các nhà mạng hoàn thành, việc chặn tin nhắn rác sẽ còn hiệu quả hơn.

Xử lý cuộc gọi rác: Vẫn chưa tìm ra lời giải

Những số liệu về hạn chế tin nhắn rác là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, không thấy các nhà mạng báo cáo số liệu nào về việc kiểm soát sự phiền toái của các đối tượng quảng cáo, làm phiền người dùng dưới hình thức cuộc gọi rác.

Qua trao đổi cùng Lao Động, đại diện một trong 3 nhà mạng lớn của Việt Nam thừa nhận “đúng là kiểm soát cuộc gọi rác khó khăn hơn kiếm soát tin nhắn rác rất nhiều”. Đối với tin nhắn rác, hệ thống có thể tự cập nhật một đầu số nào đó gửi thông điệp hàng loạt với các nội dung giống nhau tới nhiều số máy, để từ đó đưa ra cảnh báo để kiểm tra xử lý.

Tuy nhiên, với cuộc gọi rác, làm thế nào để biết được các cuộc gọi phát sinh nhằm mục đích làm phiền người tiêu dùng là điều không thể. Bởi nhà mạng không có quyền theo dõi cuộc gọi của khách hàng. Nếu có, cũng không thể kiểm soát hết được hàng chục triệu thuê bao với cả trăm triệu cuộc gọi phát sinh mỗi ngày.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - ông Vũ Hoàng Liên nhận định: “Với sự nhiệt tình cố gắng của các nhà mạng cũng chỉ hạn chế được phần nào. Với tin nhắn rác còn dễ dàng, nhưng với cuộc gọi rác thì rất khó. Nếu tin nhắn rác căn cứ vào tần suất xuất hiện để làm yếu tố phát hiện thì cuộc gọi rác không thể dùng yếu tố đó”.

Trong khi đó, cuộc gọi rác ngày càng phát triển thay thế dần hiện tượng tin nhắn rác bởi tính hiệu quả cao hơn, tác động trực tiếp và tạo ra độ tương tác ngay lập tức với đối tượng cần tiếp cận. Khi các nhà mạng còn đang “đau đầu, bó tay” với cuộc gọi rác, người dùng phải tự bảo vệ bản thân mình bằng cách tải các phần mềm chặn, lọc các đầu số được cho là thường xuyên có hiện tượng quấy rối. Hoặc làm một cách thủ công là lập tức đưa các đầu số gọi tới làm phiền vào ngay danh sách đen (black list). Tuy nhiên, việc này chỉ hạn chế được một phần rất nhỏ.

Các chuyên gia viễn thông cho rằng, các nhà mạng cần tích cực đẩy mạnh việc ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách lập ra một trung tâm tiếp nhận thông tin về tin nhắn, cuộc gọi rác. Đồng thời, đưa thông tin cảnh báo, khuyến khích khách hàng tố cáo những cuộc gọi làm phiền để kiểm tra và đưa vào danh sách loại bỏ hoặc có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Vũ Hoàng Liên, để đưa một đầu số vào danh sách cuộc gọi rác cũng không hề đơn giản, bởi phải căn cứ vào đâu, bằng chứng nào để khẳng định đầu số kia là quấy rối, làm phiền? Chẳng hạn phải xây dựng được một khung ấn định phải có số lượng phản ánh của bao nhiêu người về việc một đầu số gọi điện làm phiền mới có thể đưa vào diện cảnh báo, chứ không thể chỉ một, hai khách hàng phàn nàn là có thể xử lý ngay được.

Rõ ràng, ngoài phần kỹ thuật, phương pháp kiểm soát và cả chế tài xử lý các cuộc gọi rác vẫn là bài toán chưa có lời giải của các nhà mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn