MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

VAR tại World Cup 2022 và bài học về sự thiếu sót của công nghệ

NGUYỄN ĐĂNG (THEO FINANCIAL TIMES) LDO | 04/12/2022 14:03
Hoạt động dựa trên nguyên tắc “can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa”, nhưng VAR vẫn gây nên rất nhiều tranh cãi tại World Cup 2022. Nó cũng chỉ ra những thiếu sót về mặt công nghệ khi áp dụng vào bóng đá.

Không thể đòi hỏi VAR đúng hoàn toàn

Việc sử dụng trợ lý trọng tài video (VAR) vào World Cup cho thấy một trường hợp điển hình về mức độ khó khăn để có được sản phẩm tối ưu, phù hợp với thị trường trong một môi trường áp lực cao, có tác động quan trọng đến hàng triệu người hâm mộ theo dõi các trận đấu.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng, VAR đã làm giảm đi tính kịch tính của các trận đấu, làm suy yếu các giác quan của trọng tài, lãng phí thời gian, tạo nên những khía cạnh tranh cãi mới…

VAR được hệ thống hóa trong luật chính thức của bóng đá vào năm 2018, sau đó công nghệ này được triển khai tại World Cup 2018 tại Nga.

Các trọng tài ngoài sân giám sát nhiều nguồn cấp dữ liệu video, có trách nhiệm xác định các lỗi “rõ ràng và hiển nhiên” và “bỏ sót các sự cố nghiêm trọng”, trước khi tham vấn cho trọng tài chính đưa ra quyết định có công nhận hay tước bỏ bàn thắng, xác định phạt đền hay rút thẻ đỏ cho ai…

Bằng chứng cho thấy VAR thực sự đã làm tăng độ chính xác của việc ra quyết định. Trung bình, một trọng tài đưa ra 137 quyết định có thể quan sát được trong một trận đấu bóng đá quốc tế, hầu hết trong số đó hiện được xem xét gần như theo thời gian thực.

Tại World Cup ở Nga, FIFA thống kê rằng, trong số 455 sự cố được VAR kiểm tra trong suốt giải đấu, các trọng tài đã thực hiện các quyết định cuối cùng chính xác trong 99,4% trường hợp, so với 95,6% khi không sử dụng.

Một hệ quả là các trọng tài phát hiện ra nhiều lỗi hơn, đưa ra 29 quả phạt đền (trong đó có 9 quả do kiểm tra VAR) so với 13 quả tại World Cup 2014 ở Brazil. Nhưng việc sử dụng VAR cũng kéo dài thời lượng trận đấu, bởi thời gian trung bình để xem xét một sự cố là 82 giây.

Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về VAR khi cho rằng, nó gây nên nhiều nhầm lẫn hơn là xác định các tình huống rõ ràng. Ít người phản đối việc dùng VAR để xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa hay cầu thủ có việt vị hay không? Tuy nhiên với những quyết định chủ quan về việc thổi phạt đền hay rút thẻ đỏ, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra, đặc biệt khi các trọng tài tham khảo VAR và thay đổi quyết định ban đầu của mình.

Bài học rút ra về việc sử dụng VAR

Có hai bài học được rút ra từ việc sử dụng VAR. Đầu tiên, công nghệ không bao giờ được sử dụng chỉ vì lợi ích của công nghệ. Nó chỉ nên được triển khai trong các tình huống tranh cãi, để cung cấp thông tin cho quyết định của trọng tài chứ không phải thay thế nó.

Ngoài ra, hiệu quả của VAR cũng quan trọng không kém. Khi cố gắng giải quyết một nhóm vấn đề, công nghệ không nên tạo ra những vấn đề mới. Các hệ thống nên liên tục được cải thiện để đáp ứng với thông tin phản hồi.

Để đạt được điều đó, điều quan trọng là người dùng và người hâm mộ hiểu cách thức hoạt động của hệ thống vận hành VAR và tin tưởng vào phương pháp này.

Về mặt này, các trợ lý trọng tài video tại các trận đấu cricket làm tốt hơn, khi đưa ra bằng chứng cho người xem và giải thích cách họ đưa ra quyết định của mình.

Việc đảm bảo rằng, các quyết định có thể được giải thích rõ ràng là rất quan trọng đối với VAR. Nguyên tắc đằng sau VAR về việc “can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa” là điều rất tốt, nhưng kinh nghiệm cho thấy điều đó khó thực hiện như thế nào khi được áp dụng vào các trận đấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn