MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm, khẳng định pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ quy định, quy trình để thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh mạng, không chỉ giới hạn ở việc chặn, hạ ứng dụng vi phạm. Ảnh: Bộ TTTT

Việt Nam có đầy đủ quy định, quy trình để cấm TikTok

Anh Vũ LDO | 07/04/2023 12:50

Trước những sai phạm và ảnh hưởng tiêu cực của TikTok và một số dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới, cơ quan chức năng khẳng định, luật pháp Việt Nam có đầy đủ quy định, quy trình để thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh mạng.

Vấn đề nội dung xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok đang ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.

Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu TikTok có nên bị cấm tại Việt Nam để tránh những rủi ro và hậu quả tiêu cực.

Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 6.4, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, việc xử lý vấn đề này sẽ được thực hiện theo quy trình và thủ tục pháp luật. 

Thứ trưởng Bộ TTTT, ông Nguyễn Thanh Lâm, khẳng định: "Hiện pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ quy định, quy trình để thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh mạng, không chỉ giới hạn ở việc chặn, hạ ứng dụng vi phạm".

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết cơ quan quản lý có công cụ kinh tế, kỹ thuật và ngoại giao để giải quyết vấn đề với các nền tảng xuyên biên giới.

Các công cụ này được quy định trong Luật Công nghệ thông tin, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP và 70/2021/NĐ-CP.

Đối với giải pháp kinh tế, cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn nguồn tài chính dành cho các nền tảng vi phạm cũng như những người tạo nội dung trên đó.

Khi Bộ TTTT công bố một nền tảng vi phạm, các nhãn hàng và đại lý sẽ không được phép quảng cáo trên đó; ngân hàng và trung gian thanh toán sẽ không được hợp tác trong các giao dịch; và các sàn thương mại điện tử không được phép kinh doanh trên nền tảng đó.

Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoạt động của nền tảng xuyên biên giới, bao gồm việc chặn tên miền và máy chủ, nếu nền tảng không gỡ bỏ thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và khuyến cáo người dân tránh tham gia vào các nền tảng có nội dung độc hại.

TikTok nằm trong diện thanh kiểm tra

TikTok, một trong số ít nền tảng xuyên biên giới có văn phòng tại Việt Nam, sẽ được tiến hành thanh kiểm tra liên ngành để đánh giá toàn diện hoạt động của nền tảng.

Dự kiến, đợt kiểm tra sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 5, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử và quảng cáo.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, sau đợt kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp tác với các Bộ, ngành để đánh giá ảnh hưởng của TikTok và mức độ tuân thủ pháp luật. Ảnh: Bộ TT&T 

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, sau đợt kiểm tra này, Bộ TTTT sẽ hợp tác với các Bộ, ngành để đánh giá ảnh hưởng của TikTok và mức độ tuân thủ pháp luật của họ. Dựa trên kết quả đánh giá, các cơ quan chức năng sẽ tham mưu với lãnh đạo nhằm xử lý triệt để, không chỉ đơn thuần là yêu cầu gỡ bỏ nội dung.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, cuộc kiểm tra này sẽ góp phần củng cố căn cứ pháp lý, đồng thời kết hợp với công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận với xã hội và cộng đồng.

Ông Lâm khẳng định: "Khi câu chuyện này trở thành đòi hỏi của cuộc sống, cơ quan nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để xử lý".

TikTok đã bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới

TikTok đang phải đương đầu với hàng loạt lệnh cấm tạm thời, cấm hoàn toàn, cùng nhiều cuộc điều tra tại các quốc gia trên thế giới.

Mới đây, ngày 4.4, chính phủ Australia thông báo sẽ gỡ TikTok khỏi tất cả thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang, trở thành quốc gia mới nhất tham gia vào danh sách các nước ban hành lệnh cấm đối với ứng dụng này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu lớn tiếng chỉ trích TikTok, cho rằng ứng dụng này "giả vờ vô tội" và gây nghiện cho người dùng.

Tính đến ngày 24.3, Pháp đã ban lệnh cấm nhân viên chính phủ sử dụng các mạng xã hội như TikTok, Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.

Trong khi đó, một số quốc gia đã có biện pháp quyết liệt hơn. Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm toàn quốc đối với TikTok và hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020 khiến 150 triệu người dùng Ấn Độ đã buộc phải ngừng sử dụng ứng dụng này, theo Forbes.

Hiện đã có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức ban lệnh cấm TikTok trên thiết bị của nhân viên, bao gồm Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).

Ba quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với nền tảng này trong nhiều dịp khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn