MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực. Ảnh Minh hoạ: Đình Hải

Việt Nam còn thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ

LƯƠNG HẠNH LDO | 24/03/2023 06:03

Để đáp ứng đủ lao động ngành công nghệ - ngành học được cho là có mức thu nhập “khủng” hiện nay, vấn đề đặt ra là phải đào tạo, đào tạo lại nhân lực. 

Kiến thức dễ bị lỗi thời

Nguyễn Thanh Sơn đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Công nghệ phần mềm - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Thanh Sơn chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực IT. Tuy mới tìm hiểu và theo đuổi ngành công nghệ thông tin nhưng Thanh Sơn cho rằng, đây là một ngành học khá vất vả.

Theo nam sinh, bất kỳ ngành học nào cũng có cái khó riêng. Tuy nhiên, khối lượng kiến thức ngành IT khá lớn và mang tính học thuật, yêu cầu sự chính xác tuyệt đối. Thanh Sơn cho rằng, các sinh viên phải luôn cập nhật kiến thức trong ngành vì có thể chỉ ngay hôm sau, những kiến thức mình học đã trở nên lỗi thời.

Mặc dù thị trường lao động - việc làm của ngành Công nghệ thông tin hiện rất rộng mở nhưng đối với một sinh viên năm nhất chưa thực sự có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thì việc tìm kiếm một công việc để làm quen với ngành học cũng không dễ dàng. Nam sinh cho biết, sẽ tiếp tục dành thời gian để tự học nhiều hơn.

Một trong những chủ đề được đề cập trong hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên, diễn ra sáng 22.3 là: “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”. Tại hội nghị, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau Nguyễn Văn Tú đặt vấn đề phát triển khoa học công nghệ sẽ làm giảm lao động thủ công, lao động đơn giản. Do đó, muốn tiếp tục tham gia thị trường lao động, nhiều lao động trẻ có nhu cầu được đào tạo lại, trang bị thêm những kỹ năng phù hợp. Nguyễn Văn Tú mong Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay.

Đẩy mạnh đào tạo con người

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay: Về vấn đề đào tạo và đào tạo lại có thể thấy rằng, đến thời điểm này, thanh niên Việt Nam hùng mạnh, không chỉ mạnh về số lượng mà chất lượng, lực lượng lao động của Việt Nam cũng như thanh niên Việt Nam cao hơn. “Tuy nhiên, dân số Việt Nam là dân số trẻ, lực lượng lao động Việt Nam trẻ nhưng chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa mạnh” - ông Dung nhận định. 

Bộ trưởng chỉ ra vấn đề cần quan tâm khi năng suất lao động của Việt Nam chưa cao do nhiều yếu tố. Bên cạnh lý do lực lượng lao động phi chính thức còn nhiều, Bộ trưởng cho rằng, kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống cũng là những vấn đề cần quan tâm.

Bàn về câu chuyện chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Ban Bí thư đã cho chủ trương ban hành chỉ thị về tăng cường đào tạo nhân lực Việt Nam, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 06 về xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hội nhập và hiệu quả. 

Bên cạnh giáo dục đào tạo kỹ năng đại trà, ông   Đào Ngọc Dung nêu quan điểm cần quan tâm vấn đề hạ tầng và đột phá chất lượng nhân lực cao. Đi vào góp ý chi tiết, ông Đào Ngọc Dung gợi ý trọng tâm nên lấy hệ thống đại học và 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng bởi muốn chuyển đổi số nhanh, phải đào tạo nhân lực.

“Theo tôi, chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực khu vực công nghệ. Đây là vấn đề cần làm rất nhanh, vì muốn đi nhanh phải đào tạo con người” - vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng lưu ý, cần quan tâm hệ thống chính sách phụ cận. Theo đó, để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến mục tiêu xây 1 triệu nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà tạm ở Việt Nam, tạo nền tảng và chăm lo phúc lợi xã hội để công nhân, thanh niên cũng như những người lao động trẻ yên tâm cống hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn