MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phạm Thanh Thủy - Trưởng phòng chống vi phạm bản quyền, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - trình bày các giải pháp để ngăn chặn các trang web bóng đá lậu, phim lậu. Ảnh: Nguyễn Đăng

Web bóng đá lậu, phim lậu khiến nhà đài Việt Nam thất thoát 350 triệu USD

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 13/10/2023 21:32

Theo thống kê, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số, đặc biệt là vấn nạn từ các trang web bóng đá lậu, phim lậu đã khiến cho các đài truyền hình tại Việt Nam thất thoát gần 350 triệu USD trong năm 2022.

Thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam

Chiều 13.10, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình năm 2023.

Tại đây, bà Phạm Thanh Thủy - Trưởng phòng Chống vi phạm bản quyền của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+) - đã trình bày tham luận về Vi phạm bản quyền truyền hình trên môi trường số - Thực trạng và giải pháp.

Bà Thủy nêu ra những con số đáng báo động về việc vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam có đến hơn 200 trang web bóng đá lậu, với 1,5 tỉ lượt truy cập trong năm 2022, 2023 (thống kê của SimilarWeb); 200 web phim lậu với 120 triệu lượt xem mỗi tháng. Ước tính, vấn nạn này làm thất thoát đến 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành công nghiệp truyền thông trong năm 2022 (theo Media Partner Asia).

Bà Tô Nam Phương - Trưởng ban Quan hệ đối ngoại, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, đơn vị nắm bản quyền nhiều giải đấu lớn, trong đó có V.League, UEFA Champions League - cho biết, một trận đỉnh cao tại Champions League có vài trăm nghìn người xem trên các kênh của đơn vị nắm bản quyền. Tuy nhiên, con số này lên đến trên 1 triệu tại các trang web lậu.

Các trang web bóng đá lậu tại Việt Nam hoạt động rất tinh vi và rất khó để ngăn chặn hiệu quả. Ảnh: Khánh An

Theo bà Thủy, các phương thức vi phạm bản quyền trên môi trường số rất tinh vi như sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền khi bị chặn… gây nên nhiều tác hại lớn như màn hình tràn quảng cáo cá độ, dẫn link cá độ, đe doạ bảo mật, gắn link giả mạo trang web chính phủ.

Giải pháp

Theo Media Partner Asia, việc bảo vệ bản quyền mạnh mẽ sẽ giúp công nghiệp truyền hình, từ đó đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Chẳng hạn, nếu việc chống vi phạm bản quyền hiệu quả có thể giúp tăng 3 lần doanh thu cho ngành công nghiệp truyền thông và truyền hình; có thể giúp tăng gần 12 triệu thuê bao hợp pháp; tạo ra gần 5.000 việc làm mới tại Việt Nam.

Điều này cũng giúp gia tăng nhận thức và sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ cho công chúng, đảm bảo môi trường trực tuyến, an toàn, an ninh thông tin.

Đặc biệt, nếu làm điều này hiệu quả sẽ góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, tạo uy tín cho các đơn vị đi mua bản quyền nội dung quốc tế, đặc biệt ở môn bóng đá.

Việc xây dựng các biện pháp chống vi phạm bản quyền là điều được K+ quan tâm đặc biệt. Bà Thủy cho hay, việc ngăn chặn vi phạm đối với các trang web lậu về bóng đá là thử thách lớn nhất.

“Các trang web lậu bóng đá hoạt động rất tinh vi, nếu chặn 1 trang này, họ có thể thay đổi tên miền chỉ trong 1 phút và tiếp tục hoạt động” - bà Thủy nhấn mạnh.

Các trang web bóng đá lậu là mối quan tâm chính của các đơn vị sở hữu bản quyền thể thao. Ảnh: Chụp màn hình

Đại diện K+ đưa ra đề xuất lập ra một tổ chuyên trách về việc ngăn chặn việc vi phạm bản quyền trên môi trường số, đặt dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có sự phối hợp giữa Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử; Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cũng như các nhà mạng, các đơn vị truyền hình. Đơn vị này sẽ “phản ứng nhanh” khi phát hiện các trang web lậu, để chặn truy cập, IP trong thời gian diễn ra trận đấu.

Đại diện K+ cũng cho biết thêm, sắp tới một đoàn chuyên gia từ Pháp sẽ sang Việt Nam để tư vấn, triển khai một công cụ, để có thể chặn tự động các trang web lậu về phim, bóng đá, giám sát các nhà mạng về việc chống vi phạm bản quyền...

Phía K+ cho hay, sẵn sàng chia sẻ công cụ này đến các đơn vị tại Việt Nam, khi việc thành lập tổ chuyên trách được triển khai.

Theo thống kê, 75% web bóng đá lậu gắn quảng cáo độc hại và 97% các hiển thị quảng cáo này chứa nội dung độc hại như cá độ, virus, nội dung người lớn hay lừa đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn