MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xác thực không mật khẩu là xu thế tất yếu để nâng cao việc an toàn thông tin. Ảnh: Chụp màn hình

Xác thực không mật khẩu: Lợi ích và những thách thức

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 25/05/2024 15:04

Theo ông Kumaravel Ramakrishnan - Giám đốc Công nghệ của ManageEngine, xác thực không mật khẩu có tính an toàn cao hơn để đảm bảo an ninh mạng, nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức.

Lợi ích kinh tế của xác thực không mật khẩu

Xác thực không mật khẩu là phương thức xác thực cho phép người dùng truy cập vào một dịch vụ, ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin mà không cần nhập mật khẩu hoặc trả lời các câu hỏi bảo mật. Nó được xem là phương pháp xác thực an toàn nhất hiện nay và số người sử dụng đang ngày càng tăng lên.

Công ty nghiên cứu thị trường Statista dẫn số liệu từ Next Move Strategy Consulting cho biết, thị trường xác thực không mật khẩu được định giá 15,6 tỉ USD năm 2022 và được dự báo sẽ tăng lên 53 tỉ USD năm 2030.

Chia sẻ với Lao Động, ông Kumaravel Ramakrishnan, Giám đốc Công nghệ, ManageEngine - bộ phận quản lí công nghệ thông tin của công ty công Zoho, cho biết, các phương thức xác thực không mật khẩu (nhận dạng vân tay, mống mắt, khuôn mặt, phân tích giọng nói…) mang đến nhiều lợi ích từ việc nâng cao tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin và xa hơn và kinh tế.

Ông chia sẻ: “Việc xác thực không mật khẩu giúp các tổ chức không phải lo lắng về việc thông tin đăng nhập bị đánh cắp, giúp giảm thiểu rủi ro - bao gồm cả rủi ro về tài chính một cách đáng kể. Ngoài ra, các chi phí liên quan đến việc đặt lại mật khẩu, khóa tài khoản và hỗ trợ bộ phận trợ giúp khi quên mật khẩu có thể được loại bỏ, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các nhóm hỗ trợ công nghệ thông tin.

Theo chuyên gia công nghệ thông tin Kumaravel Ramakrishnan, xác thực không mật khẩu mang đến rất nhiều lợi ích cho các nhân, doanh nghiệp. Ảnh: Nga Nguyễn

Cuối cùng, xác thực không cần mật khẩu có thể nâng cao năng suất và trải nghiệm người dùng. Các phương thức không cần mật khẩu, chẳng hạn như sinh trắc học hoặc mã khoá phần cứng, cung cấp trải nghiệm xác thực liền mạch và thuận tiện hơn, cho phép người dùng truy cập hệ thống và ứng dụng nhanh chóng và hiệu quả”.

Ông cũng nhấn mạnh việc xác thực không mật khẩu sẽ góp phần hạn chế việc người dân, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á bị tấn công bằng mã độc, lừa đảo trên mạng…

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, việc xác thực không mật khẩu cần được áp dụng thông qua cách tiếp cận bảo mật nhiều lớp. Điều này bao gồm việc triển khai các giải pháp như xác thực đa yêu cầu, các biện pháp bảo mật điểm cuối mạnh mẽ, giám sát liên tục các hoạt động đáng ngờ…

Thách thức của xác thực không mật khẩu

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng theo ông Kumaravel Ramakrishnan, xác thực không mật khẩu vẫn còn nhiều thách thức, trong đó sự chấp nhận và quen thuộc của người dùng là rào cản lớn nhất. Người dùng đã quen với mật khẩu và sự không quen thuộc từ phương thức xác thực mới có thể sẽ gây ra nhầm lẫn, vì thế mà người dùng không muốn thay đổi sang các phương thức khác.

Về mặt tổ chức, việc loại bỏ mật khẩu thường yêu cầu nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng và hệ thống hiện có. Điều đó có nghĩa là phải đầu tư vào các công nghệ mới, chẳng hạn như máy quét vân tay hoặc mã khoá phần cứng, và tích hợp chúng vào các hệ thống hiện có. Đối với các tổ chức sử dụng hệ thống cũ, điều này có thể đặc biệt phức tạp và tốn thời gian.

Ngoài ra, việc sử dụng sinh trắc học có thể mở ra các rủi ro bảo mật mới cần được tính đến. Vì phương thức này dựa trên tính độc nhất của dữ liệu sinh trắc học cá nhân, nên dữ liệu này, nếu bị xâm phạm, có khả năng làm lộ các thông tin nhạy cảm. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các tổ chức, đặc biệt là sau khi các quy định về dữ liệu cá nhân ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn