MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xu hướng tương lai cho robot phục vụ

Quý An (theo AP) LDO | 15/05/2023 16:26
Ngành công nghiệp nhà hàng đang cố đưa ra câu trả lời về xu hướng tương lai cho robot phục vụ.

Robot phục vụ được cho là giải pháp cho tình trạng thiếu lao động trong ngành nhà hàng. Những chiếc máy cao đến thắt lưng có thể chào đón khách, dẫn khách đến bàn, giao thức ăn đồ uống và chuyển bát đĩa bẩn vào bếp. Các sản phẩm này đã tăng nhanh trong những năm qua với hàng vạn chiếc được sử dụng khắp nơi trên thế giới.

“Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là điều thế giới đang hướng tới” - Dennis Reynolds - Trưởng khoa Quản lý khách sạn của Trường Đại học Hilton (Đại học Houston), nhận định.

Một số ý kiến khác cho rằng, những robot phục vụ chỉ là một mánh lới quảng cáo, và còn một chặng đường dài trước khi chúng có thể thay thế con người. Chúng không thể nhận đơn đặt hàng và không thể leo cầu thang cùng các địa hình khác.

Craig Le Clair, phó chủ tịch của công ty tư vấn Forrester chuyên nghiên cứu về tự động hóa, nêu quan điểm: “Nhà hàng là nơi khá hỗn loạn, vì vậy rất khó để đưa tự động hóa vào theo cách thực sự hiệu quả”.

Tuy nhiên, thị trường robot đang nở rộ. Công ty Bear Robotics (trụ sở tại California, Mỹ) đã giới thiệu robot Servi của mình vào năm 2021. Theo dự kiến, sẽ có 10.000 chiếc được triển khai vào cuối năm nay tại 44 tiểu bang của Mỹ cũng như khắp thế giới.

Ông Phil Zheng (công ty Richtech Robotics, một nhà sản xuất máy chủ robot có trụ sở tại Texas – Mỹ), đánh giá: “Mọi chuỗi nhà hàng đều hướng tới việc tự động hóa càng nhiều càng tốt. Mọi người sẽ thấy những thứ này ở khắp mọi nơi trong 1-2 năm tới”.

Robot phục vụ liệu có trở thành xu hướng trong tương lại trong lĩnh vực nhà hàng? Ảnh: Xinhua

Nhà hàng Madison Heights (bang Michigan, Mỹ) đã mua một robot BellaBot từ Pudu Robotics. Robot này thành công đến mức nhà hàng đã mua thêm thêm hai chiếc khác. Giờ đây, một robot dẫn thực khách đến chỗ ngồi, một robot khác mang những bát mì bốc khói đến bàn. Nhân viên phục vụ sẽ chất đống bát đĩa bẩn lên rô-bốt thứ ba để đưa trở lại bếp. Ba robot này đã đáp ứng được công việc mà 5-6 người từng xử lý, giúp giảm chi phí. Mặt khác, thực khách thường bo nhiều hơn cho những robot phục vụ. Hơn nữa, họ còn đăng các video lên mạng xã hội, càng kéo được thêm khách đến ăn.

Betzy Giron Reynosa lại có một trải nghiệm khác với robot phục vụ BellaBot tại nhà hàng The Sushi Factory (bang Florida, Mỹ).

“Bạn thực sự không thể bảo nó di chuyển hay làm gì khác” - cô nói.

Nhưng nhìn chung, robot đối với Reynosa vẫn là một điểm cộng. Nó giúp cô tiết kiệm thời gian đi lại trong bếp và dành thời gian nhiều hơn với khách hàng.

Ở Mỹ, ngành công nghiệp nhà hàng đã tuyển dụng 15 triệu lao động vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, con số đó vẫn ít hơn 400.000 so với trước đại dịch. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 62% quản lý nhà hàng nói không có đủ nhân viên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo giám đốc Viện Kinh doanh Khách sạn (ĐH Michigan) Karthik Namasivayam, những lo ngại về vấn đề vệ sinh trong thời kỳ đại dịch và việc áp dụng công nghệ mới (như mã QR) đã đặt nền móng cho robot phục vụ.

Dù vậy, không phải tất cả các chuỗi nhà hàng đều thành công với robot.

Nhà hàng Chili’s đã giới thiệu robot phục vụ có tên Rita vào năm 2020. Thương hiệu này đã mở rộng thử nghiệm tới 61 chi nhánh ở Mỹ trước khi đột ngột tạm dừng vào tháng 8 năm ngoái. Rita bị đánh giá là di chuyển quá chậm và cản trở con người. 58% khách được khảo sát cho biết Rita không cải thiện trải nghiệm tổng thể của họ.

Haidilao, một chuỗi nhà hàng lẩu ở Trung Quốc, bắt đầu sử dụng robot từ một năm trước để giao đồ ăn tới bàn của thực khách. Song, quản lý tại một số cửa hàng cho biết, robot chưa chứng minh được độ tin cậy hoặc hiệu quả về chi phí như người.

Wang Long, quản lý của một cửa hàng ở Bắc Kinh, cho hay cả hai robot phục vụ của anh đều bị hỏng.

“Thỉnh thoảng chúng tôi mới sử dụng chúng. Đó là một dạng khái niệm và máy móc không bao giờ có thể thay thế con người” – Wang nói.

Về phần Namasivayam, ông cho rằng yếu tố kinh tế đang đứng về phía robot bởi chi phí lao động của con người sẽ tiếp tục tăng nhưng chi phí công nghệ sẽ giảm.

Ở chiều ngược lại, theo Saru Jayaraman - người ủng hộ trả lương cao hơn cho nhân viên nhà hàng với tư cách là chủ tịch của One Fair Wage, các nhà hàng có thể dễ dàng giải quyết tình trạng thiếu lao động nếu trả lương cao hơn.

“Con người không đến một nhà hàng đầy đủ dịch vụ để được phục vụ bởi công nghệ. Họ tìm kiếm trải nghiệm của bản thân và người thân khi được phục vụ bởi một con người” – bà nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn