MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dùng không hài lòng đối với việc Zalo sẽ bóp tính năng từ tháng 8.2022. Ảnh minh họa: Vân Trường

Zalo - ứng dụng Việt được ưu ái, giờ “trở cờ” bóp tính năng người dùng

Thế Lâm LDO | 30/07/2022 13:38

Trong một thay đổi có tính bước ngoặt được Zalo công bố vào dịp ứng dụng Việt này kỷ niệm 10 năm ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 8.2022, có ít nhất 6 tính năng đối với người dùng thông thường sẽ bị điều chỉnh hoặc bóp lại.

Trong đó, một trong những thay đổi “bóp tính năng” của Zalo là hạn chế danh bạ đối với tài khoản người dùng thông thường không còn được quá 1.000 liên hệ là gây ra phản ứng mạnh mẽ và bức xúc nhất trong cộng đồng người dùng.

Còn lại là các thay đổi như tài khoản người dùng thông thường không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký; tài khoản thông thường hiển thị tối đa 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại; mỗi tài khoản được phản hồi tối đa 40 hội thoại từ người lạ; không hỗ trợ tính năng username; mỗi tài khoản Zalo sẽ chỉ mặc định được 5 mẫu tin nhắn nhanh…

Đây là một động thái được nhiều người dùng cho rằng, Zalo sau khi lớn mạnh lên đã “trở cờ”, “vỗ mặt” người dùng vốn đã ưu ái ưu tiên sử dụng và ủng hộ ứng dụng Việt này ngay từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường ứng dụng OTT nhắn tin và gọi điện miễn phí trên nền Internet.

Đó là giai đoạn từ năm 2012 đến khoảng 2015, từ bước ra mắt, nhen nhóm cạnh tranh rồi đi đến cao trào cạnh tranh và cuối cùng phân thắng bại trên thị trường ứng dụng OTT, hay còn được gọi là cuộc “đại chiến OTT”.

Khi đó, Zalo xuất hiện tại thị trường Việt Nam sau LINE và KakaoTalk. Khi đó, LINE và KakaoTalk đã đổ “núi tiền” vào thị trường Việt Nam hòng chiêu dụ người dùng tạo ra các làn sóng thu hút ào ạt trong giới trẻ.

Cùng thời điểm đó, Viber cũng đã có không ít người dùng tại Việt Nam cho dù ứng dụng này chưa được nhà cung cấp chính thức ra mắt dịch vụ và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Zalo bước vào thị trường sau, vào tháng 8.2012, nhưng nhờ chiến lược marketing và truyền thông đúng hướng, sản phẩm nhanh chóng và không ngừng được cải thiện, cùng với sự ưu ái sử dụng của người dùng Việt đối với ứng dụng Việt, Zalo đã nhanh chóng bứt phá từ năm 2013 và tới 2015. Zalo dường như chỉ còn một đối thủ đáng gờm là Viber. Còn LINE, KakaoTalk lần lượt chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau “cuộc chiến đốt tiền” không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thạc sĩ Mai Tuyết (TPHCM) hoạt động trong lĩnh vực marketing cho rằng: “Bản thân tôi ngay từ thời điểm đó khi mới ra trường cũng đã ưu tiên lựa chọn ứng dụng Việt là Zalo để sử dụng, và nhiều bạn bè tôi cũng thế. Hồi đó, Zalo là ứng dụng Việt duy nhất trên thị trường đấu với các đối thủ còn lại đến từ nước ngoài, cho nên càng được người dùng Việt ra sức ủng hộ.

Tuy nhiên, bây giờ đã lớn mạnh, Zalo quay lại viện dẫn các lý do để bóp tính năng đối với những người dùng đã nhiệt thành ủng hộ mình, là điều không ít người dùng như tôi khó có thể chấp nhận”.

Anh H.S (không muốn nêu rõ tên, Quận 1, TPHCM) đặt vấn đề: “Thời điểm Zalo mới chính thức ra mắt trên thị trường, nếu không được người dùng Việt ưu tiên ủng hộ và sử dụng thì liệu có cạnh tranh được với các ướng dụng đến từ nước ngoài lắm tiền nhiều bạc? Zalo thu phí đối với khách hàng doanh nghiệp, gia tăng thêm tiện ích cho khối khách hàng này không ai phản đối cả, nhưng nhân đó lại chơi chiêu trò kiếm cớ quay lại bóp tính năng người dùng thông thường là điều chẳng ai thấy thoải mái và khó chấp nhận”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn