MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bí mật luân trùng và những loài sinh vật tạo nên "Biển chết ở Trung Quốc"

Hương Ly (Theo CNN) LDO | 19/02/2022 19:00
Hồ Giải Trì - còn được gọi là hồ muối Vận Thành ở tỉnh Sơn Tây - được mệnh danh là "Biển Chết của Trung Quốc" nổi tiếng trên mạng xã hội nước này nhờ vẻ đẹp rực rỡ sắc màu khi nhìn từ trên cao.
Theo CNN, có ba loại hồ muối trên thế giới: Cacbonat, clorua và sunfat. Biển Chết (Israel) và Hồ Muối Lớn ở Utah đều là hồ clorua. Tuy nhiên, hồ Vận Thành (Yuncheng) thuộc loại hồ muối sunfat. 
Giáo sư địa lý Bernie Owen của Đại học Baptist Hong Kong cho biết, Giải Trì (Xiechi) là một “hồ kín” - nghĩa là nó không chảy ra sông hoặc biển. Điều này giải thích lý do hàm lượng muối trong hồ ở mức rất cao. 
 “Nước chảy vào hồ mang theo muối. Khi nước bốc hơi, muối đọng lại trong hồ. Vì vậy, nước hồ ngày càng trở nên mặn hơn”, giáo sư Owen giải thích.
Màu sắc rực rỡ của hồ Giải Trì hình thành từ các loài động vật và thực vật sống dưới nước. “Do ở đây có loài động vật giáp xác có màu đỏ, nên nước có màu đỏ. Ngoài ra, có một loài động vật cực nhỏ được gọi là luân trùng, và nó chính là thứ tạo ra màu tím của hồ. Ngoài ra còn có tảo xanh và cam trong hồ này”, ông Owen cho biết. 
Gần đây, Trung Quốc tích cực quảng bá vẻ đẹp “biển chết của Trung Quốc” trên mạng xã hội để thu hút khách du lịch. 
"Đây là phiên bản Trung Quốc của biển chết Israel. Thả nổi cơ thể trên hồ này là trải nghiệm khó quên mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác", quảng cáo du lịch hồ Giải Trì viết. 
Hiện chính phủ Trung Quốc được cho đang nỗ lực đưa kỳ quan này vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Trong một bài đăng trên mạng xã hội WeChat năm 2019, Luo Huining, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây, cho biết chính quyền địa phương đã bắt đầu quá trình đăng ký xin UNESCO công nhận. 
"Hồ muối Vận Thành là kết tinh của văn hóa và văn minh Trung Quốc. Hồ muối có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy giá trị và di sản văn hóa của chúng ta", ông Luo nói trong tuyên bố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn