MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân vùng Vịnh khốn khổ vì nắng nóng

Như Tâm LDO | 27/06/2022 20:49

Giống hàng triệu người lao động nhập cư khác tại vùng Vịnh - một trong những nơi khô và nắng nóng nhất thế giới - B. Sajay không vui vẻ gì khi mùa hè đến.

“Chúng tôi làm việc trong nhiệt độ rất cao, đây là bản chất công việc của chúng tôi. Và chúng tôi đang khổ sở vì cái nóng” - B. Sajay, công nhân xây dựng đến từ Ấn Độ, nói. Anh đang làm việc tại thủ đô Muscat, Oman.

Dù mùa hè mới chỉ bắt đầu, nhiệt độ đã vượt 50 độ C tại nhiều khu vực của khu vực sa mạc này - nơi đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Mùa hè đồng nghĩa bất cứ ai làm việc ngoài trời đều vất vả hơn, cùng với đó là nguy cơ mất nước, sốc nhiệt và suy tim. Các quốc gia vùng Vịnh đã cấm làm việc ngoài trời trong khung giờ nắng nóng nhất hàng ngày.

Năm ngoái, một báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy nguy cơ tử vong tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba trong các ngày nắng nóng đỉnh điểm ở Kuwait, ảnh hưởng nghiêng hẳn về nhóm đàn ông không phải người Kuwait - chiếm phần lớn lực lượng lao động ngoài trời.

Người lao động đến từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh có mặt khắp các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, tạo ra nguồn cung lao động rẻ, lấp đầy những vị trí mà công dân nước sở tại “chê” để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn.

“Trong bóng râm cũng không thể chịu được”

Từ tháng 6 đến tháng 8, các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman đều cấm làm việc ngoài trời trong khoảng 4 giờ kể từ trưa.

Công nhân sẽ trở về khu trọ hoặc nghỉ ngơi dưới bóng râm. Nhưng thời tiết khắc nghiệt đến mức trong bóng râm cũng không thể chịu được.

Trong ngày đầu tiên của mùa hè 21.6, nhiệt độ lên tới 50 độ C ở nhiều nơi - bao gồm Arab Saudi và Kuwait - ghi nhận nhiệt độ trong tháng 5 cao nhất thế giới ở 53,2 độ C.

“10 năm qua là giai đoạn nóng nhất từng thấy ở Kuwait”, Issa Ramadan - nhà khí tượng học Kuwait - nói. “Mùa hè ở Kuwait giờ kéo dài đến tháng 9, có khi sang cả tháng 10”.

Tại Muscat, những công nhân đang trải nhựa đường che đầu bằng khăn choàng sặc sỡ và đội mũ trong khi những người khác tránh nắng dưới những cây chà là trồng giữa con đường hai chiều. Người qua đường cầm ô để bảo vệ họ trước nắng thiêu đốt.

“Để hoàn thành ca làm 8 giờ sớm nhất có thể, đôi khi tôi bắt đầu làm từ 6h sáng, dừng trong giờ nghỉ trưa, rồi làm nốt 2 giờ còn lại”, Muhammad Mukarram - công nhân xây dựng người Bangladesh - nói.

Tình trạng trên đã thu hút sự chú ý từ lâu. Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Qatar điều tra các trường hợp công nhân tử vong có liên quan đến “nạn nóng”.

Không có số liệu chính thức về số trường hợp người lao động nhập cư tử vong ở các quốc gia vùng Vịnh. Chính quyền các quốc gia khu vực thường xuyên bác bỏ con số ước tính do những tổ chức phi chính phủ và truyền thông đưa ra.

Nắng nóng chết người

Năm 2020, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances phát hiện vùng Vịnh là nơi có thời tiết nóng và ẩm nhất Trái đất.

Các nhà khoa học tính toán rằng ngay cả khi có bóng râm và nước uống vô tận, một người trưởng thành khỏe mạnh có thể chết nếu nhiệt độ bầu ướt - có tính đến các yếu tố như độ ẩm, sức gió và mây che phủ - vượt 35 độ C trong 6 giờ.

Nghiên cứu cho rằng chỉ có 14 trường hợp trên đất liền có nhiệt độ bầu ướt trên 35 độ C, tất cả đều xảy ra trong hai thập kỷ qua và 8 trường hợp là tại vùng Vịnh.

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy “trong thế kỷ này, nhiều khu vực ở vùng Vịnh có thể hứng chịu những sự kiện nắng nóng chết người chưa từng có do biến đổi khí hậu”.

“Nếu chúng ta không thay đổi, nhiệt độ sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới, chạm mốc các hoạt động ngoài trời ở vùng Vịnh, như hành hương, gần như không thể diễn ra trong mùa hè”, Julien Jreissati - Giám đốc chương trình tại Greenpeace MENA - nói.

Giải pháp chống nắng nóng duy nhất là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - yếu tố chính dẫn tới biến đổi khí hậu - và sớm chuyển sang năng lượng tái tạo”.

Saudi Arabia, UAE và Bahrain đều cam kết trung hòa ô nhiễm carbon trong nước trong vài thập kỷ tới trong khi vẫn mở rộng sản xuất dầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn