MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phi hành gia Mỹ Vande Hei sau khi trở về Trái đất. Ảnh: Getty

Giữa căng thẳng, Mỹ bất ngờ cảm ơn Nga

Khánh Minh LDO | 01/04/2022 12:21
Mỹ cảm ơn Nga vì đã đưa phi hành gia trở lại Trái đất, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bên vì chiến sự Ukraina.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gửi lời cảm ơn Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) vì đã đưa phi hành gia người Mỹ Mark Vande Hei từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trở về Trái đất an toàn theo đúng lịch trình.

Vande Hei đã quay trở lại Trái đất cùng với các phi hành gia Nga trên ISS là Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov hôm 30.3, theo đúng lịch trình. Bộ ba hạ cánh tại sân bay vũ trụ Nga ở Baikonur, Kazakhstan, và Vande Hei trở về nhà ở Houston từ đó - RT đưa tin.

Vande Hei chính thức trở thành phi hành gia Mỹ ở trong không gian lâu nhất kể từ khi lên ISS cùng Dubrov vào tháng 4.2021. Cả hai đã quay quanh Trái đất 5.680 lần, di chuyển hơn 241 triệu kilomet.

"Cảm ơn các đối tác Roscosmos của chúng tôi. Chúng tôi đã đưa Mark Vande Hei về nhà an toàn” - bà Kathy Lueders, quan chức cao cấp của NASA phụ trách chương trình tàu vũ trụ có người lái, cho biết trong cuộc họp báo ngày 31.3, nói rằng các phi hành gia Nga-Mỹ là một nhóm duy nhất.

Phi hành gia Nga Sergei Kud-Sverchkov hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên ngoài không gian vũ trụ. Ảnh: NASA

Ngay cả khi Mỹ tìm cách cấm Nga tiếp cận hàng không vũ trụ và hàng hóa công nghệ với các lệnh trừng phạt hết vòng này đến vòng khác, NASA dường như không thay đổi kế hoạch của mình về việc cử các thành viên phi hành đoàn Mỹ lên ISS, và dường như vẫn hy vọng giữ lại Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã nhiều lần giễu cợt đối tác NASA về số phận của ISS dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ, cho thấy các phi hành gia phương Tây bị mắc kẹt ở quỹ đạo bên ngoài có thể chỉ cần bay về nhà "trên cây chổi của họ" vì họ không thể sử dụng tên lửa Nga, hoặc cảnh báo rằng nếu không có quyền tiếp cận các bộ phận sửa chữa, ISS có thể gặp trục trặc và hạ cánh xuống Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Tuy nhiên, Roscosmos có vẻ nghiêm túc về việc đóng cửa các dự án mà họ đã thực hiện trước đó cùng với các phi hành gia Châu Âu và Mỹ. Roscosmos sẽ không còn duy trì các động cơ tên lửa RD-181 hiện do Mỹ sở hữu, cũng như sẽ không chuyển giao thêm bất kỳ động cơ nào như vậy cho quốc gia này, và vẫn chưa rõ liệu sẽ có các sứ mệnh chung trong tương lai có được thực hiện trên ISS với Mỹ hay Châu Âu hay không.

Trên ISS hiện còn các phi hành gia NASA Tom Marshburn, Raja Chari và Kayla Barron, cùng với phi hành gia Matthias Maurer của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và các phi hành gia Nga Oleg Artemyev, Denis Matveev và Sergey Korsakov.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn