MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cuộc thăm dò công chúng Nhật Bản cho thấy, ý tưởng về việc một người phụ nữ đảm nhận vai trò nữ hoàng được ủng hộ rộng rãi. Ảnh: AFP

Hoàng gia Nhật Bản "tiến thoái lưỡng nan" trong việc tìm người kế vị

Anh Vũ LDO | 30/12/2021 11:25
Hoàng gia Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ không có người nối dõi do thiếu hụt các hoàng tử đủ điều kiện nối ngôi trong tương lai.

Với việc phụ nữ bị cấm lên ngôi theo quy tắc kế vị, chức vị của Hoàng đế Naruhito, 61 tuổi, một ngày nào đó sẽ được truyền cho cháu trai của ông là Hoàng tử Hisahito thay vì người  con duy nhất là Công chúa Aiko, France24 đưa tin.

Nhưng nếu Hoàng tử Hisahito không có con trai trong tương lai, thì gia đình hoàng gia với lịch sử hơn 2.600 năm sẽ hết nam giới để nối dõi tông đường.

Các cuộc thăm dò công chúng cho thấy, ý tưởng về việc một người phụ nữ đảm nhận vai trò hoàng đế được ủng hộ rộng rãi. Ở thời điểm hiện tại, hoàng đế là người không nắm quyền chính trị, theo hiến pháp của Nhật Bản thời hậu Thế chiến thứ hai, nhưng là biểu tượng lớn của đất nước Nhật Bản.

Nếu Hoàng tử Hisahito (bên trái) không có con trai, gia đình hoàng gia sẽ sớm đối mặt với vấn đề không có người nối dõi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, áp lực phải tuân theo truyền thống lâu đời từ các nhà lập pháp và cử tri bảo thủ khiến việc kế vị của một người phụ nữ khó có thể sớm xảy ra. Các quan chức đang cân nhắc các giải pháp khả thi cho tình thế tiến thoái lưỡng nan và tuần trước, một hội đồng được ủy quyền đặc biệt đã đệ trình hai đề xuất lên chính phủ Nhật.

Một là cho phép phụ nữ hoàng gia giữ tước vị và nghĩa vụ công khi họ kết hôn. Hiện tại, họ phải rời khỏi gia đình hoàng gia như cựu công chúa Mako Komuro đã làm vào tháng 10 sau khi kết hôn với người yêu thời đại học của mình.

Thứ hai là cho phép nam giới từ 11 nhánh cũ trong hoàng tộc, những nhánh đã bị bãi bỏ trong các cuộc cải cách sau chiến tranh, "tái gia nhập" hoàng tộc trực tiếp thông qua việc nhận con nuôi.

Báo cáo của hội đồng khuyến nghị rằng các quy tắc về người nối dõi là nam giới sẽ được bảo tồn ít nhất cho đến khi Hoàng tử Hisahito trở thành Nhật hoàng.

Nhưng ý tưởng đó "hoàn toàn không dựa trên hệ thống gia đình hiện tại ở Nhật Bản hay những ý tưởng về bình đẳng giới" - giáo sư Makoto Okawa của Đại học Chuo ở Tokyo, nói với AFP.

Giáo sư Okawa - người nghiên cứu hệ thống cung đình Nhật Bản - cho biết: “Tôi nghĩ rằng, công chúng đang tự hỏi có gì sai khi Công chúa Aiko kế vị ngai vàng".

Hideya Kawanishi - Phó Giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Nagoya - cảnh báo rằng, các đề xuất của hội đồng này "sẽ không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản".

Một số phụ nữ đã kết hôn có thể không muốn sống một cuộc sống vương giả đầy hạn chế, trong khi việc nhận con nuôi lớn lên như những công dân bình thường sẽ khiến hoàng gia trở nên phức tạp, ông nói.

Vấn đề này đã được tranh luận trong nhiều năm, từ sau khi công chúa Aiko được sinh ra. Một hội đồng chính phủ đã kết luận rằng việc kế vị nên được quyết định theo độ tuổi chứ không phải giới tính vào năm 2005 .

Tuy nhiên, những cuộc thảo luận này đã mất đà sau khi hoàng tử Hisahito ra đời vào năm 2006, có nghĩa là dòng máu nam vẫn có thể tiếp tục.

Nữ hoàng không phải là một khái niệm xa lạ ở Nhật Bản, với bản thân gia đình hoàng gia được cho là hậu duệ của nữ thần Mặt trời huyền thoại Amaterasu. Trong suốt lịch sử Nhật Bản, đã có tới tám nữ hoàng, mặc dù sự trị vì của họ thường là tạm thời. Người cuối cùng, Gosakuramachi, lên ngôi cách đây khoảng 250 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn