MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong một cửa hàng của Daiso ở Ginza, Tokyo. Ảnh: Bloomberg

Lạm phát đe dọa cửa hàng đồng giá Nhật Bản

Như Tâm LDO | 16/06/2022 15:26

Sự thống trị của các cửa hàng 100 yên ở Nhật Bản bắt đầu lung lay khi nội tệ nước này suy yếu, lạm phát tăng.

Yên Nhật suy yếu đẩy chi phí hàng nhập khẩu tăng, giá năng lượng và nguyên vật liệu leo thang đang khiến Daiso Industries, Seria và những nhà vận hành cửa hàng đồng giá 100 yên khác khó hoạt động hơn trong môi trường lạm phát.

Thị trường cửa hàng 100 yên của Nhật Bản, ước tính trị giá 950 tỉ yên (7 tỉ USD), đang chật vật tìm cách chuyển phần chi phí tăng thêm mà không khiến những khách hàng vốn đã quen với tình trạng giảm phát quay lưng. Đây là thách thức “khó nhằn” trong bối cảnh tiền lương không thay đổi. Nỗ lực của Ngân hàng Nhật Bản nhằm kích thích lạm phát trong hơn một thập kỷ qua không tạo ra một chu kỳ kinh tế khỏe mạnh là thu nhập, giá hàng hóa và dịch vụ đều tăng.

Giống như những cửa hàng 1 USD ở Mỹ, hệ thống cửa hàng 100 yên tại Nhật Bản nổi lên là một cách tiện lợi để mua sắm trong khi vẫn nắm được tổng hóa đơn tại quầy thanh toán. Tuy nhiên, khác với ở Mỹ, hệ thống tại Nhật Bản phục vụ khách hàng với nhiều mức thu nhập khác nhau, bán mọi thứ từ mỹ phẩm và văn phòng phẩm cho đến đồ gia dụng, thức ăn cho mèo.

Các nhà cung ứng đang tìm cách tăng giá hàng hóa cung cấp cho B-One, một cửa hàng 100 yên trong khu vực Kanda, Tokyo. Yên Nhật suy yếu, giá năng lượng tăng, giá nguyên vật liệu tăng đang khiến việc duy trì hoạt động kinh doanh dựa trên biên lợi nhuận nhỏ nhưng khối lượng bán lớn này ngày càng khó, theo quản lý cửa hàng. Một nhà cung ứng túi đựng rác gần đây tăng giá bán, do đó, thay vì chuyển chi phí cho người tiêu dùng, họ giảm số lượng túi trong mỗi gói hàng.

Seria - vận hành khoảng 1.700 cửa hàng 100 yên - dự báo doanh số tăng 4,2% trong năm tài chính tính đến tháng 3 nhưng cảnh báo lợi nhuận sẽ giảm 16% xuống còn 17,5 tỉ yên.

Trong khi đó, Can Do - cũng vận hành cửa hàng 100 yên - cho biết trong báo cáo tài chính rằng “tình hình còn nhiều thách thức do chi phí nguyên vật liệu tăng trên toàn cầu và chiến sự ở Ukraina”.

Tại Mỹ, nơi lạm phát ngày càng tăng, các cửa hàng 1 USD không còn bán với giá này nữa. Năm nay, Dollar Tree nâng giá chuẩn tại cửa hàng lên 1,25 USD với các sản phẩm chính, từ bỏ cách tiếp cận đã làm nên thương hiệu của họ.

Trong quá khứ, các cửa hàng 100 yên tại Nhật Bản có thể ứng phó với việc yên suy yếu, giá nguyên vật liệu tăng bằng cách thay đổi kích cỡ và số lượng khi đóng gói. Điều này ngày càng trở nên khó thực hiện bởi các nhà cung ứng chưa quen với việc thay đổi giá bất ngờ sau một giai đoạn ổn định kéo dài, theo Kuni Kanamori, nhà phân tích bán lẻ tại SMBC Nikko Securities.

Các công ty Nhật Bản cho biết họ có thể chuyển trung bình 44% chi phí tăng thêm cho khách hàng, theo kết quả khảo sát tháng 6 từ công ty nghiên cứu Teikoku Databank với nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau. 15% trả lời họ không thể chuyển được chút chi phí nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn