MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa. Ảnh chụp màn hình

Lõi băng tiết lộ những vụ phun trào núi lửa khổng lồ của Trái đất

Nguyễn Hạnh LDO | 20/03/2022 20:42

Các nhà khoa học nghiên cứu các lõi băng hình thành trong khoảng 60.000 năm lịch sử đã tìm thấy dấu hiệu của hàng nghìn vụ phun trào núi lửa trong suốt thời gian đó. 25 vụ phun trào trong số này lớn hơn bất kỳ vụ phun trào nào trên Trái đất ​​trong 2.500 năm qua.

Theo Science Alert, các nhà khoa học đã khai quật các lõi băng ở Nam Cực (nơi 737 vụ phun trào được ghi nhận) và Greenland (nơi phát hiện 1.113 vụ phun trào). 

Tổng cộng có 85 vụ phun trào đủ lớn để để lại bằng chứng sulfuric acid ở cả hai cực. Nó cung cấp cho các nhà nghiên cứu manh mối về độ lớn và tác động của những ngọn núi lửa cụ thể.

Nhà vật lý Anders Svensson từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: "Bất cứ khi nào một vụ phun trào thực sự lớn xảy ra, sulfuric acid sẽ được đẩy lên tầng trên của bầu khí quyển, sau đó được phân tán trên toàn cầu - bao gồm cả Greenland và Nam Cực. Chúng ta có thể ước tính quy mô của một vụ phun trào bằng cách nhìn vào lượng sulfuric acid".

Nhà vật lý Anders Svensson đang kiểm tra lõi băng. Ảnh: NEEM

Sử dụng Chỉ số Bùng nổ Núi lửa (VEI) - thang đo từ 1 đến 8 để đánh giá độ mạnh của vụ phun trào - nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 69 vụ phun trào núi lửa lớn hơn vụ phun trào của núi lửa Tambora năm 1815 (VEI 7) - một sự kiện đủ để ngăn chặn ánh sáng Mặt trời và khiến toàn cầu lạnh giá. 

69 vụ phun trào đó bao gồm một vụ ở hồ Taupo, New Zealand, xảy ra khoảng 26.500 năm trước (VEI 8), và một ở Toba, Indonesia, xảy ra khoảng 74.000 năm trước (VEI 8). Để so sánh, vụ phun trào Eyjafjallajökull năm 2010 ở Iceland đạt 4 điểm trên thang VEI, trong khi vụ phun trào Puyehue-Cordón Caulle 2011-2012 ở Chile đạt VEI 5.

Các vụ phun trào VEI 7 xảy ra khoảng một hoặc hai lần mỗi 1.000 năm, vì vậy, vụ phun trào tiếp theo sẽ sớm xảy ra. Theo các nhà nghiên cứu, vụ phun trào VEI 8 tiếp theo có thể xảy ra trong 100 năm hoặc vài nghìn năm.

Các vụ phun trào được lưu lại trong lõi băng lớn hơn nhiều so với các vụ phun trào xảy ra trong thời gian gần đây và cũng có tác động thảm khốc hơn đối với hành tinh.

Nghiên cứu đã giúp lấp đầy một số chỗ trống trong hồ sơ núi lửa của Trái đất. Các lõi băng cũng chính là hồ sơ lưu trữ dữ liệu về nhiệt độ trước và sau khi xảy ra các vụ phun trào, cho chúng ta thêm manh mối về sự ảnh hưởng của chúng đối với khí hậu toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn