MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mức axit của đại dương thế giới cao nhất trong 26.000 năm

Phương Anh LDO | 19/05/2022 10:56
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông tin ngày 18.5, các đại dương trên thế giới đã ở mức nóng nhất và có tính axit cao nhất vào năm 2021. 

Các đại dương trên Trái đất đã chứng kiến ​​những biến động đáng chú ý nhất khi WMO trình bày chi tiết về loạt các bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra trong báo cáo hàng năm mang tên "Tình trạng khí hậu toàn cầu". 

Báo cáo cho biết, các tảng băng tan chảy đã đẩy mực nước biển lên mức cao mới vào năm 2021.

"Khí hậu đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta. Nhiệt bị giữ lại bởi các khí nhà kính do con người tạo ra sẽ làm hành tinh nóng lên trong nhiều thế hệ mai sau" - Reuters dẫn chia sẻ của Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas. 

Báo cáo của WMO chỉ ra, mức độ khí CO2 và khí mêtan làm nóng lên trong khí quyển năm 2021 đã vượt qua các kỷ lục trước đó. Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình năm ngoái cao hơn 1,11 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Các đại dương chịu nhiều tác động của sự nóng lên và khí thải. Đại dương hấp thụ khoảng 90% nhiệt lượng tích lũy của Trái đất và 23% lượng khí thải carbon dioxide từ hoạt động của con người.

Đại dương đã nóng lên nhanh hơn rõ rệt trong 20 năm qua, đạt mức cao mới vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ còn nóng hơn, báo cáo cảnh báo. Báo cáo lưu ý, sự thay đổi đó có thể sẽ mất hàng thế kỷ hoặc hàng thiên niên kỷ để đảo ngược.

Hiện nay, đại dương có tính axit cao nhất trong ít nhất 26.000 năm vì hấp thụ và phản ứng với nhiều carbon dioxide trong khí quyển hơn. 

Mực nước biển đã tăng 4,5cm trong thập kỷ qua, với mức tăng hàng năm từ năm 2013 đến năm 2021 nhiều hơn gấp đôi so với mức từ năm 1993 đến năm 2002.

WMO cũng liệt kê từng đợt nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác trên khắp thế giới, lưu ý các báo cáo về thiệt hại hơn 100 tỉ USD. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn