MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch cảnh ở quốc gia công chức bị buộc làm việc 4 ngày một tuần

Khánh Minh LDO | 16/06/2022 15:46
Quốc gia Châu Á làm việc 4 ngày một tuần nhưng không vì mục đích làm cho người lao động hạnh phúc hơn.

Những tuần làm việc ngắn hơn nhằm mục đích thúc đẩy năng suất và hạnh phúc của người lao động đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như Iceland và Vương quốc Anh. Nhưng ở Sri Lanka - đất nước đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng - khái niệm này thiên về đối phó với tình trạng thiếu lương thực và tê liệt nhiên liệu.

Quốc gia Nam Á vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, hôm 14.6 thông báo rằng công chức trong khu vực công sẽ được nghỉ làm vào thứ Sáu trong ba tháng tới mà không bị cắt lương, để họ có thời gian tự trồng trọt - CNN đưa tin. 

Bộ Thông tin Chính phủ cho biết: “Có vẻ thích hợp khi cho phép công chức chính phủ nghỉ một ngày làm việc... để tham gia vào các hoạt động nông nghiệp ở vườn nhà hoặc ở những nơi khác, như một giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực sắp xảy ra”.

Bộ này nói rằng tuần làm việc ngắn hơn cũng sẽ có lợi cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện và gián đoạn giao thông do tình trạng thiếu lương thực và khí đốt.

Sri Lanka được cho là có tới 1 triệu người làm việc trong khu vực công. Tuy nhiên, tuần làm việc 4 ngày sẽ không áp dụng cho nhân viên "dịch vụ thiết yếu" làm việc trong bệnh viện và cảng hoặc những người trong lĩnh vực điện và nước.

Chính phủ Sri Lanka - đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ trong tháng này - cũng khuyến khích mọi người tìm việc làm ở nước ngoài để họ có thể gửi tiền về. Những người lao động trong khu vực công sẽ được nghỉ phép không lương trong vòng 5 năm "mà không bị ảnh hưởng" nếu họ quyết định làm việc ở nước ngoài.

Quốc đảo với dân số 22 triệu người đang ở giữa cuộc khủng hoảng chính trị và tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Sự tức giận của công chúng bùng lên vào tháng 4, khi các cuộc biểu tình trở thành bạo lực và khiến chính phủ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Một số quan chức chính phủ, bao gồm cả thủ tướng, đã từ chức.

Đối với nhiều người dân Sri Lanka, cuộc sống hàng ngày đã trở thành một vòng quay hỗn loạn và bất định vô tận kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Hàng ngày, người dân phải xếp hàng dài để mua hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu trên khắp đất nước. Nhiều cửa hàng đã buộc phải đóng cửa vì không thể chạy tủ lạnh, điều hòa hoặc quạt.

Các quân nhân thường xuyên phải có mặt tại các trạm xăng để xoa dịu những khách hàng đang thất vọng, những người xếp hàng hàng giờ trong cái nóng gay gắt để đổ đầy bình. Một số khách hàng thậm chí đã chết trong khi chờ đợi.

Các nhà phê bình đã đặt câu hỏi về việc tuần làm việc 4 ngày sẽ tạo ra bao nhiêu sự khác biệt. Các nhân viên khu vực công thường sống xa thủ đô Colombo và hầu hết sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm. Những người này hầu hết đều tương đối nghèo và không có đất đai, vì vậy không có khả năng tự trồng trọt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn