MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phụ nữ Hàn Quốc chụp ảnh bên cây mộc lan tại Seoul, Hàn Quốc ngày 7.4. Ảnh: AFP

Nỗi niềm ra ở riêng của người trẻ độc thân Hàn Quốc

Hải Anh LDO | 08/04/2022 12:50
Park Yu-hui, 25 tuổi, một nhân viên văn phòng, sống một mình tại quận Jongno, trung tâm Seoul, Hàn Quốc. Cô đã chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ ở Incheon, một thành phố cảng phía tây Seoul, đến một căn hộ studio rộng 17m2 vào tháng 7.2021 ngay sau khi tìm được việc làm.

Tìm không gian riêng

Nơi làm việc của Park Ya-hui nằm ở quận Seongdong của Seoul. Chuyển tới nơi ở mới giúp nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi tiết kiệm thời gian di chuyển đi làm hàng ngày. Đó là một trong những lý do chính nhưng không phải là lý do duy nhất Park Ya-hui chuyển ra ở riêng. 

"Bây giờ tôi đã có một công việc toàn thời gian với thu nhập ổn định. Tôi muốn có một cuộc sống tự lập mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ bố mẹ. Tôi cũng muốn thoải mái dành thời gian rảnh sau giờ làm trong không gian riêng" - Park chia sẻ với The Korea Times.

Để ra ở riêng, Park vay ngân hàng để trả khoản đặt cọc "jeonse" (tiền thuê nhà dựa trên số tiền đặt cọc lớn) 120 triệu won (102.000 USD). Đây không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng Park cho rằng "nó xứng đáng".

"Ngoài sự tự do có toàn quyền kiểm soát cuộc sống của mình, tôi thấy rất thoải mái vì có thể trang trí nhà ở theo cách mình muốn và mời bạn bè đến bất cứ khi nào tôi thích. Tôi toàn quyền sử dụng không gian cho riêng mình, sự riêng tư được đảm bảo mà không cần phải vào phòng riêng" - Park cho biết. 

Chuyển khỏi nhà cha mẹ là dấu mốc quan trọng trong quá trình bước sang tuổi trưởng thành. Ở Hàn Quốc, ngoài những người phải rời quê hương ở các tỉnh lẻ lên thành phố học tập và làm việc, nhiều người trẻ từng chọn sống với bố mẹ cho tới khi kết hôn. Thuật ngữ "bộ tộc kangaroo" - mô tả con kangaroo chậm rời túi mẹ - đã được sử dụng rộng rãi để mô tả những người đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc chưa kết hôn lựa chọn sống phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ cho tới ngoài 30. 

Nhưng những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên chọn ra ở riêng trước khi kết hôn dù cha mẹ sống cùng thành phố. 

Một khu căn hộ ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình

Theo cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, hơn 1,26 triệu người ở độ tuổi 20 sống một mình, tăng 43% so với khoảng 887.000 người vào năm 2015. Hiện tại, hộ độc thân ở độ tuổi 20 chiếm gần 20% tổng số hộ độc thân trên toàn quốc.

Một nhân viên văn phòng họ Lee sống ở Songdo, Incheon cho biết: “Tôi đã chuyển ra khỏi nhà bố mẹ năm 2019 và tôi nghĩ đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình trong năm đó". Cô gái 28 tuổi này từng sống với bố mẹ ở quận Gangseo, phía tây Seoul.

Cô cho hay, khoản vay 200 triệu won cho căn hộ studio, cùng với chi phí sinh hoạt và hóa đơn điện nước, không phải một gánh nặng lớn so với sự tự do mà cô có thể tận hưởng tại nơi ở của riêng mình. 

"Khi sống với bố mẹ, ngoài những căng thẳng từ công việc, tôi thường cảm thấy căng thẳng khi ở nhà và xung đột với họ. Đôi khi tôi cảm thấy họ can thiệp vào cuộc sống cá nhân của tôi" - Lee nói.

Kim So-hyun, một nhân viên văn phòng 27 tuổi ở Suwon, tỉnh Gyeonggi, đang sống với bố mẹ nhưng muốn tìm một căn hộ jeonse để chuyển đến dù nơi làm việc của cô chỉ cách nhà bố mẹ 20 phút.

"Dù sống với bố mẹ và em gái nhưng tôi không dành nhiều thời gian cho họ vì tôi thường xuyên đi chơi với bạn bè vào buổi tối và cuối tuần. Chúng tôi đã có cuộc sống riêng dưới một mái nhà" - cô nói.

Nhu cầu độc lập

Các chuyên gia giải thích việc những người ở độ tuổi 20 chọn sống một mình tăng phản ánh sự sẵn sàng được chấp nhận như một cá nhân độc lập không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong gia đình.

“Khác với trước đây khi kết hôn được coi là bước quan trọng để được chấp nhận là một thành viên độc lập của xã hội, ngày nay, có được một công việc và thu nhập ổn định có nghĩa là họ đã sẵn sàng để trở thành một cá nhân độc lập" - Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, chỉ ra.

Ông Lee Byung-hoon - giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang - cho hay: "Đối với thế hệ trẻ, tiết kiệm thời gian đi làm hàng ngày và sử dụng thời gian rảnh rỗi cho bản thân có thể là một giá trị quan trọng hơn việc duy trì mối quan hệ thân thiết với cha mẹ và làm tròn vai trò như một thành viên của gia đình".

Theo các chuyên gia bất động sản, hiện tượng này cần được xem xét trong các chính sách về nhà ở của chính phủ Hàn Quốc vốn đang tập trung vào các hộ gia đình "điển hình" bao gồm cha mẹ và con cái chưa lập gia đình.

Seo Jin-hyung - người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc - nói rằng: “Hiện tại, những người chưa kết hôn ở độ tuổi 20 đang ở trong tình thế rất khó khăn trong việc tìm được nhà riêng, hoặc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn ngoài các căn hộ siêu nhỏ. Ngoài tích lũy tài sản tương đối thấp, họ hầu như không được hưởng các lợi ích nhà ở do chính phủ cung cấp". 

Ông tin rằng, giới chức Hàn Quốc nên đưa ra các kế hoạch cung ứng nhà ở dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của các hộ gia đình 1 người. "Căn hộ siêu nhỏ và căn hộ studio không nên là những lựa chọn duy nhất để người trẻ tuổi sống lâu dài" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn