MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông chủ Gazprom lên tiếng việc cắt khí đốt sang Đức

Thanh Hà LDO | 17/06/2022 11:04
Ông chủ tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tuyên bố "hàng của chúng tôi, luật của chúng tôi" sau khi công ty giảm một nửa nguồn cung sang Đức.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cáo buộc Gazprom cố gắng đẩy giá năng lượng lên thông qua giảm mạnh nguồn cung. Italia và Áo cũng báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm mạnh. 

Tuy nhiên, Gazprom cho biết động thái này liên quan tới việc công ty Siemens Energy của Đức chậm trễ trả lại các thiết bị bơm sau khi mang đi Canada bảo dưỡng.

Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller nhấn mạnh, Nga sẽ tuân theo các quy tắc của riêng mình sau khi giảm lượng khí đốt sang Đức ở mức chưa tới 70 triệu mét khối mỗi ngày, thấp hơn một nửa so với mức hiện tại.

"Hàng của chúng tôi, luật của chúng tôi. Chúng tôi không chơi theo luật mà chúng tôi không tạo ra" - ông Alexey Miller phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.

Ông cho biết không tìm ra giải pháp nào cho vấn đề thiết bị tại trạm khí nén Portovaya, một phần của đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt Nga đến Đức. Ông Miller cho hay, các lệnh trừng phạt Nga đã ảnh hưởng tới việc hoàn trả các thiết bị.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italia thông báo sẽ chỉ nhận được 65% lượng khí đốt yêu cầu Gazprom cung cấp vào ngày 16.6 do các vấn đề tại Portovaya.

Tuy nhiên, chính phủ Italia có tất cả các biện pháp ứng phó có thể áp dụng nếu việc cắt giảm nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục trong những ngày tới, ông Roberto Cingolani, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái của nước này, khẳng định.

"Tình hình khí đốt đang trong tầm kiểm soát, chúng tôi đang theo dõi dòng chảy cả ngày lẫn đêm, tổn thất cho tới nay ở mức hạn chế" - ông nói. 

Các công ty năng lượng Châu Âu, trong đó có Eni của Italia, OMV của Áo và Uniper của Đức, báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm đáng kể trong ngày 15 và 16.6. 

Gazprom giảm nguồn cung khí đốt Italia khoảng 15% vào 15.6, Eni thông tin.

Italia cũng như Đức, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, tới 40% lượng khí đốt nước này nhập từ Nga. 

Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan đã bị Nga cắt khí đốt sau khi từ chối thanh toán bằng đồng rúp Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn