MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố sụt này đã phát triển chỉ trong 9 năm. Ảnh: Eve Lundsten © 2022 MBARI

Sửng sốt hố sụt khổng lồ dưới đáy biển Bắc Cực

Nguyễn Hạnh LDO | 28/03/2022 12:16
Các nhà khoa học phát hiện những hố sụt khổng lồ đang xuất hiện dọc theo đáy biển Bắc Cực, khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy và làm xáo trộn khu vực.

Theo Live Science, mặc dù biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực, việc lớp băng vĩnh cửu tan tạo ra những hố sụt này dường như còn do một thủ phạm khác - hệ thống nước ngầm nóng và di chuyển chậm.

Lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực dưới đáy biển Beaufort của Canada đã bị nhấn chìm trong khoảng 12.000 năm, kể từ cuối kỷ Băng hà cuối cùng, khi nước tan từ các sông băng bao phủ khu vực. Đáy biển đóng băng vẫn luôn bị che giấu khỏi con mắt quan sát của các nhà khoa học. Cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu mới có thể tiếp cận được phần xa xôi này của Bắc Cực vì biến đổi khí hậu khiến băng biển rút đi.

Để tiếp cận khu vực này, các nhà nghiên cứu đã dựa vào cả kỹ thuật sonar và phương tiện tự hành dưới nước (AUV) để hoàn thành các cuộc khảo sát độ sâu có độ phân giải cao về biển Beaufort.

Khi các nhà nghiên cứu lần đầu tiên bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát đáy biển trong khu vực vào năm 2010, họ tập trung vào rìa thềm và độ dốc ở biển Beaufort của Canada. Cách bờ biển khoảng 180km, họ phát hiện một dải địa hình gồ ghề bất thường dài 95km dọc theo đáy biển. Đoạn đáy biển đó từng đánh dấu rìa của lớp băng vĩnh cửu Pleistocen trong kỷ Băng hà cuối cùng.

Để hiểu cách sự gồ ghề này phát triển theo thời gian và điều gì có thể gây ra nó, nhóm đã tiến hành thêm ba cuộc khảo sát vào năm 2013, 2017 và 2019. Những hình ảnh về khu vực theo thời gian cho thấy sự xuất hiện của những chỗ trũng bất thường. Các nhà khoa học cho biết, hố sụt lớn nhất có chiều dài 225m, rộng 95m và sâu 28m. 

Sập sàn

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân hình thành cái vùng trũng như vậy có thể là vì khi sự ấm lên làm tan băng vĩnh cửu bên dưới thềm băng Bắc Cực, biến một khu vực từng được lấp đầy bởi chất rắn thành chất lỏng. Vật liệu bề mặt sau đó sụp đổ vào khoảng trống chứa đầy chất lỏng đó.

Ở một số khu vực, nơi chịu ít tác động của nước ngầm ấm hơn, nước biển vẫn đủ lạnh để bất kỳ nước ngầm nào thấm lên sẽ đông lại khi tiếp cận với các lớp trầm tích gần bề mặt. Lớp trầm tích đóng băng đó nở ra, phập phồng lên trên tạo thành những gò nhỏ hình nón.

Những gò đất đóng băng này cùng các hố sụt là nguyên nhân dẫn đến sự gồ ghề bất thường mà các nhà nghiên cứu phát hiện trong những cuộc khảo sát đầu tiên. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy các hố sụt ngày càng mở rộng theo thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn