MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thụy Sĩ tính chôn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong đất sét

Thanh Hà LDO | 09/04/2022 14:24
Lưu trữ chất thải phóng xạ trên mặt đất là một công việc kinh doanh mạo hiểm, nhưng người Thụy Sĩ cho rằng họ đã tìm ra giải pháp: Chôn các nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sâu trong đất sét.

Phòng thí nghiệm quốc tế Mont Terri được xây dựng để nghiên cứu tác động của việc chôn chất thải phóng xạ trong đất sét sâu dưới lòng đất 300m gần Saint-Ursanne ở vùng tây bắc Jura.

Phòng thí nghiệm dưới lòng đất trải dài trong đường hầm 1,2km. Các ngách dọc theo đường hầm, mỗi ngách cao khoảng 5m, chứa đầy các mô phỏng kho chứa khác nhau, chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ được hàng nghìn cảm biến giám sát. 

Hơn 170 thí nghiệm đã được thực hiện để mô phỏng các giai đoạn khác nhau của quá trình: Định vị chất thải, niêm phong đường hầm, giám sát và tái tạo mọi hiệu ứng vật lý và hóa học có thể hình dung được. 

Theo các chuyên gia, phải mất 200.000 năm độ phóng xạ trong chất thải độc hại nhất mới trở lại mức tự nhiên.

Nhà địa chất học Christophe Nussbaum, người đứng đầu phòng thí nghiệm, chia sẻ với AFP rằng, xác định những tác động tiềm tàng đối với việc lưu trữ cần kéo dài gần một triệu năm.

Đó là "khoảng thời gian mà chúng ta cần để đảm bảo giam giữ an toàn", ông nói và cho biết thêm tới nay kết quả ghi nhận là khả quan. 

Ba địa điểm tiềm năng ở phía đông bắc, gần biên giới Đức, đã được xác định là nơi tiếp nhận chất thải phóng xạ như vậy.

Các nhà điều hành nhà máy hạt nhân của Thụy Sĩ dự kiến ​​chọn phương án ưu tiên vào tháng 9.

Chính phủ Thụy Sĩ sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng cho đến năm 2029 và vấn đề có thể sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý theo hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ.

Các nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ đã bơm chất thải phóng xạ trong hơn nửa thế kỷ qua. Đến nay, chất thải phóng xạ do đơn vị NAGRA, được nhà nước và các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân, thành lập năm 1972, xử lý.  Hiện chất thải đang được lưu trữ trong một "kho trung gian" ở Wurenlingen, cách biên giới Đức khoảng 15km.

Thụy Sĩ hy vọng tham gia một câu lạc bộ ưu tú của các quốc gia đóng góp vào việc lưu trữ địa chất sâu.

Đến nay, mới chỉ có Phần Lan xây dựng một địa điểm bằng đá granit và Thụy Điển đã bật đèn xanh vào tháng Giêng này để xây dựng địa điểm chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng bằng đá granit. Pháp có dự án Cigeo nhằm lưu trữ chất thải phóng xạ dưới lòng đất trong đất sét.

Sau sự cố hạt nhân năm 2011 tại nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản, Thụy Sĩ quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân: Các lò phản ứng của nước này có thể tiếp tục miễn là vẫn an toàn. 

Dự kiến ​​83.000 m3 chất thải phóng xạ, bao gồm một số chất thải có hoạt tính cao, sẽ phải được chôn lấp.

Khối lượng này tương ứng với vòng đời hoạt động 60 năm của các nhà máy điện hạt nhân Beznau, Gosgen và Leibstadt, và 47 năm hoạt động của nhà máy Muhleberg trước khi đóng cửa năm 2019.

Việc lấp chất thải hạt nhân dưới lòng đất sẽ được Thụy Sĩ bắt đầu vào năm 2060. Thời gian giám sát sẽ kéo dài vài thập kỷ trước khi địa điểm bị phong tỏa vào thế kỷ 22.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn