MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa lớn gây ngập lụt ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc ngày 16.6.2022. Ảnh: VCG

Trung Quốc cùng lúc chịu thiệt hại do mưa lớn, nắng nóng và lốc xoáy

Khánh Minh LDO | 17/06/2022 16:03

Trung Quốc hứng chịu cùng lúc lượng mưa kỷ lục, nắng nóng và lốc xoáy tấn công siêu đô thị phía nam.

Mưa lớn, nắng nóng và lốc xoáy tấn công siêu đô thị phía nam Quảng Châu trong tuần này đã khiến hàng triệu người phải di dời, tài sản và đất canh tác bị hư hại.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ngày 17.6 đưa tin, miền Nam Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có những trận mưa xối xả từ nay đến 21.6, trong khi vẫn chưa có biện pháp giải quyết ngay lập tức cho khu vực rộng lớn và đông dân bị ngập lụt trong những trận mưa như trút trong tuần qua.

Các nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo về các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay từ tháng 4, trước mùa mưa báo hiệu chuyển mùa từ xuân sang hè vào tháng 6.

Truyền thông địa phương đưa tin vào cuối ngày thứ 16.6, một trận lốc xoáy đã tàn phá các khu vực của Quảng Châu vốn đang hứng chịu lượng mưa kỷ lục, cắt đứt nguồn điện cho hơn 5.400 người dùng ở thành phố rộng lớn phía Nam này.

Theo truyền thông địa phương ở Quảng Châu, mực nước nguy hiểm với sóng cao ở lưu vực sông Châu Giang khiến chính quyền trung ương phải cử nhân viên phòng chống lũ lụt đến hỗ trợ. 

Một địa điểm quan sát trong thành phố đã ghi nhận một con sóng cao 2,45 mét hôm 14.6, cao nhất trong 20 năm.

Ngập lụt sau mưa xối xả ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, ngày 15.6.2022. Ảnh: China News Service

Cơ quan dự báo thời tiết ở tỉnh Phúc Kiến gần đó hôm 16.6 cảnh báo rằng lượng mưa kỷ lục gần đây sẽ kéo dài sang tuần tới, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra thiên tai.

Cảnh báo thiên tai được các tỉnh khác đưa ra trong tuần này đã thúc đẩy nỗ lực cứu trợ khẩn cấp khi đường phố chìm trong nước, đường cao tốc bị cô lập và đất nông nghiệp bị ngập úng.

Trong khi đó, nhiệt độ ở miền Trung và miền Bắc Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt mức cao bất thường trong tuần tới, lên đến hơn 40 độ C.

Thời tiết nắng nóng bất thường đã bao trùm thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, nơi hứng chịu lượng mưa kỷ lục và bị tê liệt bởi lũ lụt kinh hoàng vào mùa hè năm ngoái.

Trung Quốc có lịch sử dễ bị lũ lụt. Trong thời gian gần đây, nước này ngày càng dễ bị tổn thương hơn do nạn phá rừng, khai hoang các vùng đất ngập nước và tích trữ nước để phát điện và tưới tiêu.

Cổng xả lũ của nhà máy thủy điện Thủy Khẩu ở tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khi lượng mưa và nhiệt độ đạt mức cao mới.

"Biến đổi khí hậu đã mang lại những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến hệ thống sinh thái tự nhiên của Trung Quốc, tiếp tục lan rộng và thâm nhập vào nền kinh tế và xã hội" - chính phủ cho biết trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia được công bố hôm 13.6.

Tài liệu cho hay, biến đổi khí hậu không chỉ tạo ra những thách thức lâu dài mà còn khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn trước các sự kiện "đột ngột và cực đoan". Các bệnh truyền nhiễm, sâu bệnh, và thời tiết khắc nghiệt cũng là mối nguy hiểm ngày càng tăng đối với sức khỏe cộng đồng.

Tài liệu cho biết chính phủ sẽ hiện đại hóa các hệ thống phòng chống thiên tai liên quan đến khí hậu và giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế cũng như các hệ sinh thái tự nhiên.

Trung Quốc cũng sẽ đặt mục tiêu xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro và tác động khí hậu trên toàn quốc vào năm 2035, đồng thời sẽ yêu cầu các dự án lớn đưa khí hậu vào đánh giá tác động môi trường. 

Tài liệu cho hay, Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát tại các sông và hồ để tăng cường kiểm soát lũ lụt và cải thiện an ninh cấp nước. Trung Quốc cũng sẽ cải cách giá nước và áp đặt các mục tiêu tiêu thụ ràng buộc ở các vùng trọng điểm, nhằm mục đích cắt giảm cường độ nước - lượng nước được sử dụng trên một đơn vị tăng trưởng kinh tế - 16% trong giai đoạn 2021-2025.

Trung Quốc - quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới - đã cam kết sẽ đưa lượng khí nhà kính lên mức đỉnh điểm trước năm 2030 và trung hoà carbon vào năm 2060.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn