MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc tạo đột phá về nhân giống trong không gian

Ngọc Vân LDO | 03/05/2022 17:09
Trung Quốc có thêm bước đột phá về nhân giống trong không gian, tạo ra gần 1.000 giống mới.

Với sự trở lại của phi hành đoàn tàu vũ trụ Thần Châu 13, tổng cộng 12.000 hạt giống đã hoàn thành hành trình nhân giống trong không gian, dự kiến ​​sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực, vì hạt giống cũng quan trọng như chip trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Hạt giống cỏ ba lá, yến mạch, gạo, nấm ăn và bắp cải đã được sứ mệnh Thần Châu 13 mang vào không gian và đưa trở lại Trái đất vào ngày 16.4, sau 183 ngày trong quỹ đạo - Hoàn cầu Thời báo đưa tin.

Đã 35 năm kể từ nỗ lực nhân hạt giống đầu tiên trong vũ trụ của Trung Quốc vào năm 1987, gần 1.000 loài mới đã được tạo ra, trong đó 200 loài đã mang lại hiệu quả xuất sắc.

Nhân giống trong vũ trụ sử dụng bức xạ vũ trụ để làm đột biến gene của hạt giống, nhằm tạo ra nhiều chủng loại mới đa dạng hơn.

Li Guoxiang, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, dự án hạt giống không gian của Trung Quốc đã lai tạo ra rất nhiều loài rau và trái cây, bao gồm cả những mặt hàng phổ biến như táo.

Việc nhân giống trong vũ trụ của Trung Quốc đã đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực và bảo vệ môi trường của đất nước.

Các phương tiện truyền thông đưa tin, diện tích trồng ngũ cốc, rau, trái cây và các loại cây khác được phát triển bằng phương pháp nhân giống không gian đã vượt trên 2,4 triệu ha và tạo ra lợi ích kinh tế hơn 200 tỉ nhân dân tệ (30,51 tỉ USD).

Nông dân tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: VCG
 

Yang Hongshan, chuyên gia tại Viện Khoa học Chăn nuôi và Dược phẩm Lan Châu thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, một số hạt sẽ được sử dụng cho nghiên cứu khoa học và những hạt khác sẽ được sử dụng để nhân giống.

Yang nói rằng việc gửi hạt giống vào không gian chỉ là bước đầu tiên, và giai đoạn thiết yếu nhất là công việc thử nghiệm được thực hiện sau khi trở về Trái đất. Thời gian cho công việc này thay đổi tùy theo loài. Chẳng hạn phải mất 10 năm để lai tạo ra một loài cỏ ba lá mới, và yến mạch có thể mất từ ​​7-8 năm.

Cỏ ba lá là một trong những nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất nhưng vẫn chưa có đủ nguồn cung cho ngành nông nghiệp Trung Quốc.

"Trung Quốc phải nhập khẩu từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu tấn cỏ ba lá mỗi năm. Hạt giống cỏ ba lá từ không gian có thể thúc đẩy quá trình nhân giống các loài cỏ ba lá ở Trung Quốc và đảm bảo sự phát triển của loại “chip” này trong nông nghiệp" - Wang Tao, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho hay.

Nhà nghiên cứu Li Guoxiang lưu ý rằng mức độ nhân giống hạt giống không gian cũng phản ánh công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến của Trung Quốc.

“Chỉ có một số quốc gia trên thế giới có công nghệ hàng không vũ trụ trưởng thành, và trình độ công nghệ nhân giống hạt giống vũ trụ của Trung Quốc ở mức đẳng cấp thế giới” - nhà nghiên cứu Li Guoxiang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn