MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xu hướng ông bà không chăm cháu ở Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 23/05/2022 17:05
Người cao tuổi Trung Quốc muốn tận hưởng những năm tháng nghỉ hưu chứ không phải chăm cháu, trừ khi được trả tiền để làm việc đó. 

Hỗ trợ chứ không chịu trách nhiệm chính

Người nghỉ hưu ở Trung Quốc thường được giao nhiệm vụ chăm sóc cháu khi con trai, con gái họ đi làm. Nhưng bà Chen Shuxiang và chồng bà Guan Hongsheng, ngoài 60 tuổi, để lại phần lớn trách nhiệm chăm cháu trai 10 tuổi cho cha mẹ của đứa trẻ dù sống cùng thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. 

“Chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình” - cặp đôi thích dành thời gian chỉnh sửa video, chụp ảnh và đi du lịch khắp Trung Quốc và thế giới, chia sẻ. 

Bà Chen cho hay: “Chúng tôi đủ ổn định tài chính để đi du lịch khắp nơi và làm những điều mình thích. Con trai và con dâu thỉnh thoảng tặng tiền mặt cho chúng tôi. Các con rất ủng hộ việc chúng tôi theo đuổi cuộc sống riêng. Tôi hy vọng rằng chúng tôi không bị coi là "những người may mắn" vì sẽ có nhiều con cái ủng hộ việc bố mẹ nghỉ hưu hơn trong tương lai". 

Ông bà Guan - Chen vẫn kết nối với cháu - nấu ăn và thỉnh thoảng đón cháu từ trường về - nhưng không phải người chăm sóc chính.

Ông bà vốn là phương án chăm sóc chính và thường là miễn phí cho các bậc phụ huynh Trung Quốc, những người thường đi xa nhà để có mức lương cao hơn hoặc làm việc nhiều giờ để hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bậc hưu trí như ông bà Guan và Chen lựa chọn thỉnh thoảng giúp đỡ hoặc yêu cầu trả tiền để chăm cháu toàn thời gian. 

Đầu tháng này, một tòa án ở Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ra phán quyết rằng, một cặp vợ chồng nợ cha chồng 20.000 nhân dân tệ (3.000 USD) vì ông đã chăm sóc 1 trong 2 người con trai của cặp đôi này trong nhiều năm, tờ Shandong Business Daily đưa tin.

Người chồng để con trai lớn sống với ông nội và hứa đưa cho ông 300 nhân dân tệ (45 USD) một tháng nhưng không thực hiện, theo tòa án. 

Các trường hợp pháp lý ông bà đòi trả tiền chăm sóc cháu đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong những năm gần đây, theo SCMP.

Truyền thống dần thay đổi

Linda Sun, giáo viên mẫu giáo ở Thượng Hải, cho biết, ít nhất 80% trẻ em trong lớp cô được ông bà đưa đón hàng ngày khi cô bắt đầu công việc năm 2017. Nhưng trong những năm qua, cô đã thấy nhiều hơn các bậc phụ huynh tự đưa đón con. 

“Khi thu nhập của gia đình được cải thiện, nhiều bậc cha mẹ làm việc toàn thời gian hơn và mọi người ngày nay nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con cái" - cô giáo Sun nói. 

Dù có nhiều khả năng ông bà sẽ theo đuổi một cuộc sống về hưu độc lập hơn, nhưng con số này vẫn tương đối thấp.

Cuộc thăm dò vào tháng 4.2021 do chính quyền Thường Châu, tỉnh Giang Tô, thực hiện phát hiện thấy 20% phụ huynh “nuôi dạy con cái một cách độc lập”.

Có 1/3 số gia đình được hỏi coi ông bà là người giúp đỡ, trong khi 47% cho biết ông bà là người chăm sóc chính.

Cuộc thăm dò cũng nhận thấy, hơn một nửa số người được hỏi cho rằng ông bà có xu hướng cưng chiều cháu, khiến cháu “có hành vi hư hỏng” và “có thói quen sống không tốt". 

Giáo sư Yuan Xin từ Viện Dân số và Phát triển của Đại học Nankai ở Thiên Tân cho hay, việc thiếu các cơ sở chăm sóc trẻ khiến ông bà vẫn đóng vai trò thiết yếu trong nuôi dạy trẻ em Trung Quốc. Tuy nhiên, truyền thống đang dần thay đổi với tư duy xã hội thích nghi và các gia đình trở nên ổn định hơn về tài chính.

“Những người nghỉ hưu hiện nay sinh sau năm 1960, vì vậy họ còn đủ trẻ để tận hưởng những lợi ích kinh tế của quá trình mở cửa và cải cách. Họ có những ý tưởng mới so với các thế hệ trước. Họ không phải là kiểu người có cuộc sống xoay quanh gia đình. Và thế hệ trẻ cũng muốn cha mẹ có cuộc sống riêng” - ông nói.

Ở Trung Quốc có hiện tượng "trẻ em bị bỏ lại phía sau" tại làng quê khi người lớn trong độ tuổi lao động chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc làm. Bởi hiện tượng này, hầu hết ở làng quê chỉ có trẻ em và người cao tuổi. Hiện có 6,4 triệu trẻ em đang được Bộ Dân chính Trung Quốc xem là "trẻ bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên, so với năm 2016, con số này đã giảm được 28,6%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn