MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngồi nhà rường gần 200 năm của anh Lương Thanh Phong đã được chính quyền hỗ trợ tu sửa, trùng tu. Sau khi hoàn thành, gia đình anh Phong sẽ hết thời có nhà không dám ở như hiện tại. Ảnh: NĐT ​

Di sản quốc gia Làng cổ Phước Tích: Phục dựng nhà cổ, nhà vườn để hút du khách

Nguyễn Đắc Thành LDO | 10/07/2017 07:00
Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được biết đến bởi hai thứ rất nổi tiếng, là gốm và nhà rường. Tuy nhiên, gốm thì đang ngày một lụi tàn và khó có thể để khôi phục, còn nhà rường thì đang mấp mé bên bờ vực lụi tàn vì bị xuống cấp, nhưng may thay, hiện chính quyền đã hỗ trợ kịp thời để trùng tu phục hồi.
Có nhà không dám ở

Với 30 ngôi nhà cổ có số tuổi gần 200 năm, hệ thống nhà rường ở Phước Tích là hồn cốt của ngôi làng này. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chiến tranh nên những ngôi nhà cổ ở đây bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống mái kèo, đòn tay, rui mè và vách tường của nhiều ngôi nhà bị đổ nát. Vì là nhà cổ đã được xếp hạng di sản quốc gia nên người dân sinh sống trong những ngôi nhà xuống cấp như thế này rất khó khăn. Mùa mưa bão thì dột nát, sợ sụp đổ không biết khi nào. Mùa nóng thì nắng chiếu thẳng vào nhà.

Kinh phí để làm lại một ngôi nhà như thế này là ngoài tầm với của người dân, nên đứng trước tình trạng đó, các hộ dân sống trong những ngôi nhà này chỉ biết sửa theo kiểu chắp vá để sống qua ngày đoạn tháng. Một số nhà thì dùng bạt lợp lên để chống mưa dột, một số thì thay ngói bằng tôn. Một thời gian dài nhiều khách du lịch về với Phước Tích không khỏi ái ngại vì cảnh nhếch nhác, điêu tàn của hệ thống nhà rường cổ ở đây.

“Căn nhà của tôi truyền qua 5 đời, gần 200 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa bão không dám ở trong đó, còn mùa hè thì nắng chiếu thẳng vào nhà. Cũng muốn sửa chữa để ở nhưng phần vì không có tiền, phần thì thuộc nhà rường cổ mình không biết sửa như thế nào” - anh Lương Thanh Phong - chủ căn nhà cổ - nói.

Theo thống kê của UBND xã Phong Hòa, hiện tại có 4 căn nhà rường ở Phước Tích đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Và người dân sống trong những ngôi nhà này đang rất lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến.

Hỗ trợ để phục dựng nguyên trạng

Bộ VHTTDL đã có văn bản số 3370/BVHTTDL-DSVH ngày 25.8.2016 gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thẩm định hồ sơ tu bổ đình, miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích.

Những ngày này, làng Phước Tích rộn ràng tiếng đục đẽo, tiếng bào gỗ của nhóm thợ hạ giải và phục dựng nhà rường. Người vui nhất có thể là anh Lương Thanh Phong. Anh vồn vã: “Mấy năm sống trong lo sợ giờ cũng đã được chính quyền quan tâm để giúp tôi làm lại ngôi nhà rường. Mấy năm trước, tôi cứ loay hoay sửa chỗ này đến chỗ khác, thành ra cái nhà rường cổ quý hiếm như một ổ chuột. Nay được trùng tu bài bản thì đẹp rồi”.

Cũng chung tâm trạng như anh Phong, bà Lê Thị Hoa cũng rất vui khi được chính quyền hỗ trợ để làm lại ngôi nhà rường hơn 150 năm. Trải qua bao nhiêu thiên tai cùng chiến tranh, ngôi nhà của bà Hoa cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, bà phải mua tôn về nhờ người lợp lại để sống tạm. “Mấy năm sống trong lo sợ, giờ nghe được hỗ trợ để làm lại nhà, tôi vui lắm. Chứ cứ để vậy thì không biết sụp đổ khi mô” - bà Hoa bộc bạch.

Theo ông Trần Văn Nguyên - Phó Chủ tịch xã Phong Hòa - thời gian qua nhiều ngôi nhà rường của người dân bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều người không dám ở trong chính ngôi nhà của mình, nhưng nay đã được hỗ trợ để phục dựng lại. “Nhiều nhà xuống cấp nghiêm trọng, nhưng dân không phá bỏ mà chỉ sửa tạm để sống qua ngày. Chúng tôi cũng rất vui khi người dân ý thức được giá trị của những ngôi nhà rường này. Mỗi căn nhà được trùng tu tùy theo cấp độ hư hỏng mà có số vốn phù hợp để hỗ trợ” - ông Nguyên cho hay.

Làng cổ Phước Tích với gốm và nhà rường cổ là điểm đến thú vị của nhiều du khách khi muốn tìm cảm giác yên bình. Sau khi các nhà rường được trùng tu xong thì sẽ có thêm những điểm nhấn để du khách đến tham quan. Tuy nhiên, để làng cổ Phước Tích “đẻ ra tiền” thì vẫn còn là một bài toán khó, vì khoảng cách địa lý quá xa so với thành phố và các địa điểm tham quan khác.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và ban hành “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Các nhà vườn được chọn trong danh mục hỗ trợ đợt này, tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng…, được hỗ trợ đến 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nhà vườn từ Quỹ Bảo trợ nhà vườn Huế. Các nhà vườn trong diện bảo tồn đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu). Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung hỗ trợ để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo 14 nhà vườn đặc trưng (đợt 1).


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn