MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc đảo Yến Hòn Nội - nơi thờ tự thủy tổ, đảo chủ Thánh Mẫu nghề yến sào Khánh Hòa. Ảnh: T.Thúy

Khánh Hòa: Độc đáo lễ hội yến sào truyền nối trăm năm

T.Thúy LDO | 04/06/2017 20:36
Theo lịch sử truyền lại, nghề yến sào Khánh Hòa được khai phá cách đây gần 700 năm và hàng năm cứ đến ngày 10.5 (âm lịch), những người làm nghề lại tề tựu về đảo Yến Hòn Nội (TP.Nha Trang) để tưởng nhớ các bậc tiền nhân.
Ngày 4.6 (tức 10.5 âm lịch), tại đảo Yến Hòn Nội (TP. Nha Trang), Cty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa long trọng tổ chức lễ hội Yến Sào năm 2017. Gần 500 CBCNVNLĐ, chi tộc họ Lê và đông đảo người dân, du khách đã tham gia.
Cách đây gần 700 năm, trên đường vào phương nam, đề đốc Lê Văn Đạt (thời nhà Trần) đã khai phá ra các đảo yến ở vùng biển phủ Bình Khang (là tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Nghề yến sào ra đời từ đó và đề đốc Lê Văn Đạt được suy tôn là thủy tổ ngành nghề yến sào Khánh Hòa.
Những hang đá chênh vênh trên vách ở Hòn Nội được phát hiện là nơi loài chim yến làm tổ từ gần 700 năm trước . Ảnh: T.Thúy

Tiếp nối, An phủ sứ Lê Văn Quang - đình trưởng Bích Đầm và con gái Lê Thị Huyền Trâm - đại đô đốc thủy quân Tây Sơn đã có công lớn bảo vệ, phát triển các đảo Yến ở đây. Ngày 10.5.1793 (âm lịch), đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng các tướng sĩ đã hi sinh để bảo vệ lãnh hải và các đảo Yến. Từ đó, bà được nhân dân suy tôn là đảo chủ thánh mẫu và lập miếu thờ trên đảo Yến Hòn Nội.

Người phụ trách phần nghi thức lễ là những người am hiểu từng thăng trầm của nghề. Ảnh T.Thúy

Trải qua nhiều thăng trầm nhưng cứ đến ngày này, những người làm nghề yến sào đều quy tụ về đây cùng thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ đảo chủ thánh mẫu, tưởng nhớ tổ nghề. Đồng thời báo cáo các vị tiền hiền tổng kết 1 năm làm việc, tôn vinh những người làm tốt và trao đổi kinh nghiệm để phát triền ngành nghề bền vững.

Chủ tế kiểm sát tế vật chuẩn bị dâng hương giỗ tổ đảo chủ Thánh Mẫu (Ảnh: T.T)

Điểm chính ở lễ hội là phần nghi lễ cúng có đầy đủ ban bệ: hủ tế, bồi tế; lễ vật heo, gà… Chủ tế là người phải hội đủ điều kiện là người am hiểu mọi điều về ngành nghề- thường là hậu duệ của các gia đình có truyền thống khai thác yến sào trăm năm qua ở Khánh Hòa.

Chánh tế, bồi tế là người được tín nhiệm thực hiện các nghi thức cúng giỗ bà. Ảnh: T.Thúy

Các nghi lễ cúng tế, cúng Tống Na lưu truyền hàng trăm năm đều được những người làm nghề yến sào tôn kính thực hiện.

Ông Lê Hữu Hoàng- Chủ tịch HĐTV Công ty Yến Sào Khánh Hòa dâng hương mở đầu nghi lễ. Ảnh: T.Thúy

Ông Nguyễn Anh Hùng - Tổng giám đốc Cty Yến Sào Khánh Hòa - cho biết, biến đổi khí hậu hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái của quần thể đàn chim yến, vì vậy CBCNV - NLĐ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật xanh để tạo môi trường và nguồn thức ăn bổ sung cho các đàn chim yến. Việc nghiên cứu tập tính, phát triển đàn chim yến tự nhiên, bền vững luôn được đơn vị ưu tiên để nhân rộng giá trị ngành nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương gắn với bảo vệ ANQP tuyến biển đảo.

26 cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần phát triển ngành yến sào được lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trao bằng chứng nhận. Ảnh: T.Thúy

Trong dịp này, 26 cá nhân xuất sắc được chọn lựa từ hơn 5.800 CNCVLĐ toàn công ty được tôn vinh. Đây là những cá nhân xuất sắc, tiêu biểu với nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành nghề yến sào năm 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn