MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong cảnh thanh bình, xinh đẹp ở Bhutan. Ảnh: LTPHONG

Ngắm vùng đất hạnh phúc dưới chân Hy Mã Lạp Sơn

LÊ THANH PHONG LDO | 21/05/2017 14:00
Đi qua những cánh đồng vàng ươm lúa và những ngôi làng hiền hòa bên lưng đồi của Bhutan, không chỉ nhìn thấy sự no ấm mà còn cảm nhận được sự vui tươi của con người. Du khách đến với điểm du lịch nổi tiếng thế giới này không phải vì thắng cảnh hay sự phát triển những thành phố hiện đại với tòa nhà chọc trời, mà người ta đi tìm sự bình an trong tâm hồn tuồng như đã đánh mất từ lâu.
Sống khẽ thôi để hạnh phúc

Người Bhutan sống nhẹ nhàng đến mức quên luôn những nhu cầu mà xã hội hiện đại trên địa cầu này đang mãi quay cuồng. Ngay cả giữa thủ đô Thimphu, người ta không cần dựng một trụ đèn giao thông, bởi chẳng ai vội để tranh nhau trên đường. Người dân xứ Phật này thủng thẳng đi, dù đi học, đi làm, đi buôn bán, tất cả đều trong cùng một tốc độ chậm nhất có thể. Đi cứ như hành thiền, cuộc sống của họ trôi thật khẽ, có lẽ chính vì sống khẽ nên họ biết thưởng thức cuộc sống mà người sống vội thường bỏ qua. Một quốc gia lấy chỉ số hạnh phúc làm thước đo (Tổng Hạnh phúc Quốc nội - Gross National Happiness), thay cho chỉ số vật chất, họ sống khẽ nên nghĩ ra được điều thông minh như vậy đó.

Mà người ta cũng chẳng có khái niệm thiền để thoát, để tu tâm tập tính, để trốn chạy khỏi sự đời ô trọc với quá nhiều lo toan, bởi vì tâm tính của họ không có quá nhiều chỗ hư để phải sửa (tu), cuộc sống họ vốn như một giấc thiền tự nhiên không cần kinh sách. Các ngôi chùa của Bhutan không đặc quánh khói nhang, không đông người vái lạy sì sụp mặc cả thánh thần, nếu có chăng người đó dứt khoát là du khách. Người Bhutan không phải vào chùa để sống đời sống của kinh kệ, mà chính cuộc sống của đa số người dân nơi đây đã mang tinh thần của Phật giáo. Sống hiền lành, thật thà, vui tươi, không làm điều xấu, không sát sinh.

Đi vào chợ nông sản của thủ đô Thimphu, khách du lịch tha hồ tham quan, mua hàng. Tiểu thương không ai hỏi han, chèo kéo, không bận tâm khách có mua hàng hay không. Họ thản nhiên nhìn du khách, thân thiện nhưng không vồ vập, bán nhưng không giành giật người mua. Chợ đông người nhưng yên lặng, tôi nói với người đi bên cạnh, hãy thử nhắm mắt lại, sẽ không thể tin rằng chúng tôi đang đứng giữa chợ, mà ở đâu đó trong thâm sơn cùng cốc. Điều lạ lùng này chỉ có ở Bhutan.

Thủy chung với Gho và Kira

Có lần trên đường từ Punakha đi Thimphu, xe dừng chân giữa đèo Dochula (3.088m) đầy sương khói. Chúng tôi ngồi giữa lưng đèo, bên những người bán ngô nướng. Du khách cứ ăn, người phụ nữ bán ngô cứ mải miết nướng, bà không quan tâm đã nướng bao nhiêu bắp ngô. Mỗi người trong đoàn tự nhớ mình đã ăn bao nhiêu bắp ngô và cứ thế mà trả tiền, người bán không nói thách, người mua không mặc cả. Một người trong đoàn thấy đứa bé trai chừng 5-6 tuổi theo mẹ đi bán ngô quá dễ thương nên cho một ít tiền lẻ. Đứa bé tròn xoe mắt nhìn, có lẽ cháu ngạc nhiên không hiểu vì sao có người cho mình tiền. Một người trong đoàn can đừng nên cho cháu tiền, bởi vì sẽ làm hỏng mất sự trong veo của cháu, lần khác có đoàn du lịch khác đi ngang, cháu sẽ có thói quen xin tiền.

Ở Ấn Độ, Nepal, du khách khổ sở vì ăn xin bu bám, riêng Bhutan thì không. Qua câu chuyện nho nhỏ ở đèo Dochula, tự nhiên hiểu ra vì sao chính phủ Bhutan không muốn cho nhiều khách du lịch đến đất nước của họ. Họ có thể thu được thêm một số tiền, nhưng rất dễ bị tổn thương những thứ quý giá khác, đó là môi trường, là bản sắc văn hóa. Thử tưởng tượng, nếu như người Bhutan cũng bu theo du khách xin tiền như ở Ấn Độ, giành giật khách và đeo như đỉa để ép khách mua hàng hóa như Việt Nam thì “quốc gia hạnh phúc” chỉ là hư danh.

Người Bhutan đã chứng minh họ không hư danh khi trong hiến pháp ghi rõ 60% tổng diện tích rừng, và trên thực tế họ đã che phủ 70% diện tích. Và trong khi nhiều nước say mê công nghiệp hóa, thì Bhutan lẳng lặng đi ngược dòng chảy đó, sống cuộc đời “thủ công”, đồng ruộng 100% hữu cơ, sông suối không ô nhiễm.

Người Bhutan chung thủy với bộ quốc phục, nam mặc Gho, nữ mặc Kira, dù là vua chúa, quan chức chính phủ đến thường dân, cũng chỉ Gho và Kira. Sự trung thành với áo quần truyền thống như nhắc nhớ mỗi người Bhutan có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ các giá trị truyền thống. Môn thể thao họ ưa chuộng nhất là môn bắn cung, những cuộc thi bắn cung được tổ chức thường xuyên như lễ hội. Bản sắc văn hóa giữ vững chắc như núi Hy Mã Lạp Sơn, chỉ có duy nhất một thứ, họ sẵn sàng “chạy theo”, đó là lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai. Chuyện này đã được thực hiện từ hơn 40 năm về trước.

***

Đến Bhutan để suy nghĩ về nước mình, không bắt chước người ta nhiều, ở Việt Nam chỉ cần không xả rác, không hút thuốc nơi công cộng, không chèo kéo khách hàng, không trộm cắp, không chạy xe như ăn cướp, không buôn bán như lường gạt du khách, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển gấp nhiều lần hơn hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn