MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc đại nội Huế. Ảnh: minh họa

Về miền di sản cố đô

Lê Thị Thu Thanh LDO | 18/04/2018 11:00
“Ai ra xứ Huế thì ra, ai về là về Núi Ngự, ai về là về Sông Hương”, xin mượn lời bài hát nổi tiếng trên để nói về xứ Huế thơ mộng.

Kỳ 1: Vẻ đẹp của thành quách cũ, đền đài xưa

Mưa của thi ca, hội họa

Huế được mọi người biết đến với Sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, lăng tẩm đền đài và những nét đẹp thiên nhiên quyến rũ. Với tôi, Huế mang nhiều vẻ đẹp mà chẳng nơi nào có được. Đặc biệt, Huế còn có một nét đặc sắc riêng khác nữa đó là những cơn mưa. Những cơn mưa ào ạt, triền miên như trút hết nước của đất trời vào lòng của Huế.

 Mưa Huế. Ảnh: webdulichhue.

Mưa xối xả mang gió và cả rét đến thổi bay những nỗi buồn, mưa mang đến cái lạnh se se và dịu mát tâm hồn. Bởi vẻ đẹp của nó nên mưa Huế đã đi vào thơ ca, nhạc họa và trở thành một dấu ấn thời tiết riêng của xứ sở nơi đây. Huế có những cơn mưa dài, chợt tạnh, chợt mưa như tâm tình hay hờn dỗi của người con gái Huế. 

Đến Huế là chúng ta đến với mảnh đất của di sản văn hóa thế giới. Nghiêng mình bên dòng sông Hương thơ mộng, từ năm 1558 đến năm 1945, Huế từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn và là kinh đô dưới 13 triều vua Nguyễn. Trải qua 4 thế kỷ, qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Huế xưa kia nay đã trở thành di sản văn hóa, một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Với vẻ đẹp riêng có, năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cho đến hôm nay, Huế đã, đang và sẽ mãi mãi được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, sánh vai với các kì quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, trở thành di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy độc đáo của Việt Nam.

Đêm đại nội

Quần thể di tích Cố đô Huế gồm: Các di tích trong Kinh thành Huế gồm có Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành. Các di tích bên ngoài Kinh thành Huế gồm các lăng tẩm, chùa chiền, cung điện...

Nằm giữa lòng Huế bên bờ Bắc của con sông Hương dùng dằng chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.

 Đêm đại nội. Ảnh: NDT.

Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực cùng sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội.

Dạo bộ quanh Đại Nội, tôi có thể hiểu sơ qua về cuộc sống Hoàng gia, những kiến trúc nguy nga tráng lệ, những bức điêu khắc cổ kính đã phần nào tô đậm thêm vẻ trang nghiêm và đầy trang trọng ở Hoàng Thành. Trải qua bao biến động của lịch sử và thời gian với hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Song, đây là một công trình minh chứng cho sự tồn tại của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Không chỉ là một kinh thành uy nghi, tráng lệ, cổ kính, Kinh thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được một không khí tôn nghiêm với cảm giác thư thái, êm đềm của thiên nhiên gần gũi pha chút trầm tư trước những thành quách đền đài xưa.

Vào mỗi dịp Festival Huế, thành cũ, mái đình rêu phong cổ kính của Đại Nội về đêm được thắp lên ánh sáng lung linh huyền ảo. Từ cửa Ngọ Môn, cổng chính của khu vực Đại Nội (Hoàng thành Huế), chúng ta sẽ thấy cờ xí được bày trí, đèn lọng uy nghiêm, hàng lính cấm vệ trong sắc phục truyền thống… Đó là sự tái hiện cuộc sống phồn hoa của chốn hoàng cung khi màn đêm buông xuống.

Chúng ta sẽ được thả hồn mình vào một không gian huyền ảo khói sương với mùi trầm hương nghi ngút, như được sống trong không gian hoàng cung đầy huyền hoặc. Nét trầm mặc cổ kính, đêm Hoàng Cung huyền diệu tái hiện lịch sử của chốn lầu son hay những lời ca ngọt ngào trên sông Hương đã tạo nên một Huế mộng mơ hấp dẫn du khách.

Nằm trong Đại Nội, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế được thành lập vào năm 1923, với tên đầu tiên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên và đến năm 1993, được đổi tên thành Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Tại bảo tàng này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hàng nghìn hiện vật gồm đồ gốm sứ, gỗ, đồng, pháp lam, đá, xương, ngà, sừng, điêu khắc trên đá… được trưng bày tại đây.

Tham quan Bảo tàng giúp chúng ta hiểu được phần nào về một triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam có nhiều biến cố và thăng trầm trong lịch sử với 143 năm tồn tại (1802 – 1945), và hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc mình, qua đó thêm yêu và tự hào mình là người Việt Nam.

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”

Cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 - 31.5.2018.

Giải thưởng: 2 giải nhất: 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.

Thể lệ chi tiết xem trên website laodong.vn.

Bài dự thi xin gửi về:

BTC cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (024) 35330305. Email: dulich@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn