MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh bày tỏ lo ngại về công tác quản lý, điều kiện đảm bảo chất lượng nếu tăng số lượng trẻ trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Ảnh minh hoạ:: HUYÊN NGUYỄN

Lớp mẫu giáo tư thục tăng 70 trẻ: Lo ngại về cơ sở và chất lượng giảng dạy

HUYÊN NGUYỄN LDO | 29/04/2018 14:00
Số lượng trẻ trong 1 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có thể tăng từ không quá 50 lên không quá 70 trẻ theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, quy định về cơ cấu tổ chức và quản lý hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vừa được Bộ GDĐT công bố để xin ý kiến dư luận đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại về vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và công tác quản lý trước quy định này.

Bộ GDĐT cho là cần thiết

Trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 có quy định tăng số trẻ em trong 1 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục từ không quá 50 trẻ lên thành không quá 70 trẻ.

Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - cho biết: Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập không phải là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong trường mầm non. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là 1 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Giống như trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có cơ cấu bao gồm một số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo giống như nhà trường, nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và bộ máy quản lý để thành lập trường.

“Tại đây, số trẻ tối đa trong nhóm trẻ và lớp mẫu giáo theo độ tuổi trong nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn phải đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Tức là số lượng trẻ em được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo tùy theo độ tuổi: Nhóm trẻ (dành cho trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi) có số trẻ trung bình là 20 trẻ/nhóm và lớp mẫu giáo (dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi) có số trẻ trung bình là 30 trẻ/lớp).

Do đó, số trẻ trong cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 trẻ là tổng số trẻ của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong cơ sở giáo dục này,” - ông Minh nói.

Để đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT đã dự thảo bổ sung thêm yêu cầu mỗi cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có 1 tổ trưởng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non.

Mặt khác, các điều kiện đảm bảo chất lượng được quy định trên mỗi trẻ, cụ thể: bảo đảm ít nhất 1,5m2/trẻ; số giáo viên (đối với nhóm trẻ: Bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ và đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: Bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp). Do đó, tăng số lượng trẻ thì phải tăng điều kiện tương ứng với số trẻ.

Đại diện Bộ GDĐT cho biết thêm, theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT, số trẻ trong 1 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 50 trẻ, tuy nhiên, hiện sĩ số nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã vượt trên 50 trẻ, có trường hợp trên 100 trẻ do khó khăn về điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức để thành lập trường. Việc tồn tại các nhóm lớp này hiện nay là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con theo giờ giấc linh hoạt, gần khu dân cư của phụ huynh, trong điều kiện trường công lập không đủ khả năng đáp ứng.

Việc sửa đổi này cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 6.12.2017 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2017, trong đó giao Bộ GDĐT rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non.

“Từ những lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT là rất cần thiết,”- ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.

Nội dung sửa đổi của dự thảo này tập trung vào vấn đề khó khăn, cốt lõi của thực tiễn cần giải quyết ngay, đó là việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT tại một số địa phương, đặc biệt ở khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư đang gặp những khó khăn, bất cập.

Phụ huynh lo ngại nạn bạo hành

Mặc dù, Bộ GDĐT đã có những lí giải và việc chuẩn bị cho đảm bảo chất lượng khi quy định tăng sĩ số lên không quá 70 trẻ nhưng nhiều phụ huynh thẳng thắn bày tỏ lo lắng khi lâu nay, việc kiểm tra và quản lý các cơ sở mầm non tư thục được đánh giá là chưa thực sự sát sao.

Chị Nguyễn Thị Huyền (ngõ 89, Quan Nhân, Hà Nội) cho rằng: “Chỉ cần nghe tăng sĩ số thôi đã thấy sợ, trong khi chúng ta đang muốn giảm sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt là đối với mẫu giáo, tiểu học. Lớp mẫu giáo, mầm non là độ tuổi hết sức vất vả để trông coi, chăm sóc. Tôi e rằng, 1 lớp lên 70 cháu thì ai có thể chăm lo hết được? Mình ở nhà 1 mẹ chăm con còn khó chứ nói gì trên lớp có vài cô giáo chăm tận 70 cháu?

Bộ GDĐT cho rằng, đã có những quy định về đảm bảo chất lượng nhưng thực tế, không phải cơ sở mầm non tư thục nào cũng sẽ thực hiện theo quy định này. Thường sẽ chỉ là cơ sở vật chất giữ nguyên và chỉ tăng số lượng trẻ. Vậy tại sao lại có bước thụt lùi như vậy? Không thể nói là do thiếu đất đai, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất được”.

Đồng quan điểm, anh Minh Hoàng (tầng 5, Chung cư Viện 103, Hà Nội) nói: “Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục này sẽ được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn hay sẽ tăng thêm lượng giáo viên để tiện quản lý, nhưng về cơ bản thì cơ sở vật chất, số lượng giáo viên vẫn không tăng lên đủ theo tỉ lệ tăng của học sinh thì chắc chắn, tăng sĩ số từ 50 lên 70 thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng”.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại vì hiện tượng bạo hành trẻ thời gian gần đây thường xảy ra ở cơ sở mầm non nhỏ lẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục... Những hình ảnh bảo mẫu Lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) bạo hành trẻ dã man, Hiệu trưởng Trường Mầm non Apollo (quận Bình Thạnh, TPHCM) doạ ném học sinh qua cửa sổ để ép ăn; cô giáo dùng dép đánh vào đầu, vào mặt trẻ ở Trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)... vẫn luôn ám ảnh nhiều phụ huynh khi nghĩ đến gửi trẻ ở trường tư thục.

Tiếp đến, việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý của lớp mẫu giáo độc lập tư thục còn hạn chế rất nhiều, bởi đây là đơn vị thuộc quản lý của cấp xã, phường không có cán bộ có đủ điều kiện về chuyên môn.

Đặc biệt, vấn đề lo ngại nhất là trình độ chuyên môn của chủ nhóm trẻ, bảo mẫu còn hạn chế nhiều. Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, Bộ GDĐT quy định, cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Với điều kiện này, chủ nhóm trẻ dễ dàng đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, chất lượng vẫn là điều đáng lo ngại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn