MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: TL

Án oan sai - đâu là giải pháp khắc phục?

VƯƠNG HÀ LDO | 12/03/2015 10:56
Nhìn lại các vụ án oan đã được làm sáng tỏ, phần lớn các vụ án oan sai, rất ít trường hợp cố ý làm sai lệch hồ sơ để bao che cho tội phạm mà chủ yếu là lấy thành tích hoặc trình độ nghiệp vụ quá non yếu.Không ít người đã chịu mức án chung thân, tử hình và nhiều gia đình vì vậy đã nát tan.

Trừng trị những đối tượng gây nên án oan

Đặc điểm chung của các vụ án này là, sau khi phát hiện ra vụ án có dấu hiệu oan sai, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền đều tiến hành những biện pháp cần thiết để khôi phục lại danh dự cho những người bị oan sai và trừng trị những đối tượng gây nên án oan. Bước đầu việc làm này đã phần nào thể hiện sự nghiêm minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Vẫn còn những băn khoăn

Điển hình nhất phải kể đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (ảnh) ở Bắc Giang. Không chỉ các cơ quan chức năng xin lỗi công khai ông Chấn, mà còn khởi tố những đối tượng đã gây nên vụ án oan này. Đó là các điều tra viên chính, kiểm sát viên chính của vụ án đã bị khởi tố, bắt tạm giam về “tội cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án”; thẩm phán, chủ toạ phiên toà phúc thẩm xét xử ông Chấn cũng bị khởi tố về “tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, dù vẫn còn những ý kiến băn khoăn.

Chẳng hạn, về các tội danh này, nếu không có bức cung, nhục hình, liệu ông Chấn dại dột gì đi nhận tội giết người, sao lại không khởi tố về tội này? Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cơ quan tiến hành điều tra những sai phạm của các vị từng tham gia tố tụng này cũng không lấy đâu được chứng cứ bức cung, mà đã không có cơ sở, liệu có thể kết tội được không? Hoặc, bởi tiến hành tố tụng gồm nhiều cơ quan, nhiều người tham gia, vậy việc chỉ có 3 vị này bị khởi tố thì liệu có lọt người, lọt tội không? Chẳng hạn, việc ra phán quyết của bản án là biểu quyết của cả Hội đồng xét xử, chứ đâu phải của mỗi ông chủ toạ phiên toà...

Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí, trước câu hỏi của phóng viên về việc ông Chấn trong phiên tòa kêu oan, nói rằng bị bức cung nhục hình sao không được xem xét, vị thẩm phán này đã cho rằng, theo tâm lý thường thấy của tội phạm là hay nói vậy để chối tội.

Tương tự, vụ bắt giam oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng, cơ quan điều tra đã khởi tố, xử lý 25 cán bộ công an có liên quan. Còn vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), ngoài 5 cựu công an đã hầu tòa, cựu Phó Trưởng Công an TP.Tuy Hòa cũng bị đề nghị truy tố trước pháp luật. Đây là một trong số ít vụ khởi tố các bị can về tội “dùng nhục hình”.

Luật sư khó tham gia từ giai đoạn đầu vụ án

Nói về nguyên nhân của án oan sai, nữ luật sư N ở Đoàn Luật sư (LS) Hà Nội (LS N xin được giấu tên) là người có hàng chục năm tham gia các vụ án hình sự ở nhiều địa phương, đã nói với chúng tôi rất nhiều những rào cản vô hình khiến LS khó tham gia ngay từ đầu vụ án - mà theo bà, đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến các vụ án oan sai. Cụ thể, theo luật định, LS có quyền tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can ngay từ đầu.

Tuy nhiên, khi có đủ giấy tờ theo quy định thì việc tham gia của LS vẫn vô vàn khó khăn. Chẳng hạn, khi bị can bị bắt tạm giam thì LS không thể gặp trực tiếp họ. Gia đình của bị can có thể mời LS tham gia, nhưng điều tra viên (ĐTV) lại yêu cầu chờ để họ hỏi ý kiến của bị can xem có đồng ý không. Và khi gặp bị can, không ít trường hợp ĐTV với đủ các biện pháp “nghiệp vụ” để bị can không đồng ý. Kể cả bị can có đồng ý đi nữa, LS muốn gặp bị can cũng không đơn giản. Ví dụ, ĐTV có thể nói bận và bận hết ngày này đến ngày khác. Nhiều khi để có được “Giấy chứng nhận người bào chữa” thì cũng vài tuần đến vài tháng trôi qua. Đến lúc này, có thể những lần lấy cung cơ bản đã hoàn thành khi chỉ có ĐTV và bị can. Do đó, không có gì lạ, nhiều bị cáo đã phản cung tại toà với lý do bị mớm cung, ép cung, nhục hình, nhưng hầu hết không được HĐXX chấp nhận. Bởi các vị thẩm phán dù có thể thấu hiểu, cảm nhận trước những mô tả bị nhục hình như thế nào của bị cáo nhưng... không có bằng chứng.

Thậm chí như vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, dấu hiệu ép cung, nhục hình khá rõ, nhưng không có bằng chứng nên cơ quan điều tra cũng chỉ có thể khởi tố tội “cố ý làm sai lệch hồ sơ”! Làm sao có chứng cứ được khi chỉ có ĐTV và bị can trong 4 bức tường chật hẹp, lạnh lẽo? Điều đáng nói là, không ít ĐTV vì sức ép của tiến độ vụ án và những định hướng sai lầm ngay từ đầu, đã ép cung cho bằng được đúng nhận định sai lầm đó. Điều này cũng rất rõ trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Sau khi trao đổi với chúng tôi, nữ LS N đưa ra CV số 45 ngày 26.1.2007 của Bộ Công an gửi các đơn vị trực thuộc. Theo đó, có lẽ quá hiểu các “đòn” của cấp dưới, công văn này yêu cầu: “Cần chỉ đạo tạo điều kiện và thời gian để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, tránh các việc làm như: Viện cớ bị can đang ốm, điều tra viên đang bận việc khác, thông báo quá gấp thời gian tiến hành việc hỏi cung...”. Nữ LS chép miệng, vậy mà... vẫn vậy, anh ạ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn