MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lé với quyết định bồi thường oan sai vừa nhận được từ Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ngày 13.3.2015. Ảnh: T.L

Án oan sai: Nguyên nhân quá rõ, vấn đề là sửa chữa

VƯƠNG HÀ LDO | 16/03/2015 08:24
Để ngăn ngừa những án oan sai, trên một số hội thảo, diễn đàn chính thống có những ý kiến đề nghị không nên để Bộ Công an (BCA) quản lý trại giam; những phòng tạm giam, tạm giữ, các buồng lấy cung nên có camera; Dù luật, các văn bản dưới luật đã có nhưng không ít điều tra viên vẫn tìm mọi cách cản trở luật sư tham gia ngay từ đầu các vụ án hình sự, không trọng chứng cứ, ép cung nhục hình… Nhưng không chỉ có vậy...
Những đánh giá khác biệt từ vụ án Hồ Duy Hải?

Vụ án Hồ Duy Hải - nghi án trong vụ án giết người, cướp của ở bưu điện Cầu Voi (Long An) - đã nóng ngay từ đầu phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao sáng 13.3 vừa qua. Hải đã bị tuyên án tử hình, Chủ tịch Nước đã bác đơn ân xá, tuy nhiên, rất thận trọng trước án truy xét này, Chủ tịch Nước lại cho tạm hoãn thi hành án để làm rõ.

Và dư luận không khỏi băn khoăn khi Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, kể cả khi tổ liên ngành vào gặp thì Hải vẫn nhận tội. Còn mẹ của tử tù vẫn khẳng định, những lần gặp trước đây chính Hải đã nhờ bà kêu oan hộ. Phải chăng, như mẹ của Hải nói: Trong tù Hải bị rất nhiều áp lực, không thể kêu oan với ai. Nếu đúng như vậy thì vì sao đến nỗi Hải không dám kêu oan cả với tổ giám sát liên ngành?

Đánh giá về vụ án này, Thứ trưởng BCA Lê Quý Vương cho rằng, các báo cáo cho thấy Hồ Duy Hải vẫn là thủ phạm. Tuy nhiên, ông Vương cũng phải nhìn nhận trong các vụ án oan sai, cơ quan điều tra chưa tập trung việc chứng minh khách quan mà vẫn trọng cung hơn trọng chứng cứ; Khâu thu lượm dấu vết hiện trường còn có thiếu sót; Do năng lực còn hạn chế, còn tâm trạng nôn nóng nên xảy ra bức cung nhục hình.

Nhưng cũng về vụ án này, là người được phân công trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và giám sát vụ án, trực tiếp vào trại gặp Hồ Duy Hải, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - lại có đánh giá khác. Theo bà Nga: Chưa đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải. Lý do, trong 10 trang kiến nghị của mình, bà chỉ ra hàng chục điểm sai sót đối với bản án này. Với sự thận trọng vốn có của vị từng là thẩm phán, bà Lê Thị Nga tha thiết đề nghị: Chúng tôi mong trước khi tử hình một con người, cần xem xét kỹ.

Bị kỷ luật vì “dính” vụ án dùng nhục hình lại tiếp tục dùng nhục hình

Dư luận càng lo ngại hơn về cách sử dụng các điều tra viên (ĐTV) đã bị xử lý kỷ luật liên quan đến án oan sai. Điển hình nhất là vụ án của ông Phạm Văn Lé ở Sóc Trăng.

Trong vụ án một xe ôm bị giết, 7 thanh niên ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã bị bắt oan. Ngày 8.8.2014, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can tội “Dùng nhục hình” đối với 2 ĐTV của CA tỉnh Sóc Trăng và một nguyên kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều tra vụ án này cho thấy, các ĐTV đã treo một số nghi phạm lên cửa sổ và dùng dùi cui đánh nhiều lần. Sau đó, trong vụ án giết người khác (nạn nhân là Lâm Tài Mấu) lại có dấu hiệu ép cung, dùng nhục hình. Đáng chú ý là, một số ĐTV trong vụ án này lại chính là những ĐTV đã bị kỷ luật giáng chức trong vụ án 7 thanh niên bị bắt oan nêu trên. Nghiêm trọng hơn, họ vẫn làm rất ẩu trong quá trình tiến hành tố tụng.

Thứ nhất, chị Sửa (hàng xóm nghi can) cho biết, dù đã khẳng định không thấy ông Phạm Văn Lé (nghi can giết ông Mấu) dùng cây đánh chết ông Mấu nhưng cán bộ ĐTV vẫn nhất quyết nói vợ chồng chị có chứng kiến. Không chỉ vậy, cán bộ còn dọa, chị có biết “tội che giấu tội phạm là gì không?”; thứ hai, ông Lé khai bị ép cung, dùng nhục hình, được cán bộ điều tra hướng dẫn cách đánh nạn nhân trước khi thực nghiệm hiện trường để ghi hình lại ngay tại trại giam; thứ ba, trong phần tranh tụng tại tòa, luật sư bào chữa cho ông Lé chỉ rõ mâu thuẫn: Cáo trạng thể hiện nạn nhân Mấu bị ông Lé dùng cây gài cửa đánh 2 nhát vào đầu dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, giám định pháp y lại thể hiện trên người nạn nhân có tất cả 7 vết thương, trong đó có 4 vết thương hở ở phần đầu?! Và còn những chi tiết cực kỳ phi logic trong vụ án này, chúng tôi không thể liệt kê hết.

Chính vì vậy, sau gần 2 năm bị bắt giam và trải qua nhiều phiên tòa nhưng đều phải hoãn do ông Lé cho rằng, mình bị ép cung, dùng nhục hình… Cuối cùng, trong 2 ngày 29.7 và 1.8.2014, cơ quan CSĐT CA tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh lần lượt ra các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam cho 2 anh em ông Lé.

Ngày 13.3.2015, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định bồi thường cho ông Phạm Văn Lé (42 tuổi, thị xã Vĩnh Châu) cùng em trai Phạm Văn Lến - đều mang án oan tội “Giết người” gần 2 năm trước - và bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé, bị buộc tội không tố giác tội phạm). Trong quyết định này, ông Lé được bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần và mất thu nhập là hơn 208 triệu đồng, ông Lến gần 210 triệu đồng và bà Thạch Thị Xem gần 28 triệu đồng.

Từ vụ án oan sai cho thấy, điều lạ là CA tỉnh này tại sao vẫn sử dụng những cán bộ điều tra có “tì vết” trong vụ án dùng nhục hình trước đó?

Hậu quả, là những người bị oan sai phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề về tinh thần và vật chất mà không gì có thể bù đắp nổi..

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn