MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lời xin lỗi của cơ quan pháp luật không thể xóa nhòa được nỗi oan ức của cụ Trần Văn Thêm (ảnh minh họa)

Án oan: Vì đâu nên nỗi?

Ths Trương Khắc Trà LDO | 15/08/2016 11:35
Án oan, đây không chỉ là nỗi đau của nạn nhân và gia đình họ mà là nỗi đau của nhiều người có lương tri, của toàn xã hội, là dấu hỏi lớn của ngành Tư pháp. Chẳng ai biết được rồi đây có còn những cái án oan tận mây xanh nữa hay không nếu sự tắc trách, thiếu lương tâm còn tồn tại...

Dư luận xã hội từng đã giật mình thon thót trước sự việc người tù thế kỷ - Huỳnh Văn Nén phải oan uổng sống cuộc đời tù tội suốt 17 năm dài dằng dặc sau những song sắt lạnh lùng vô cảm. Vợ con, người thân của ông phải chịu sự kỳ thị xa lánh của cộng đồng xã hội. Ông Nén được minh oan không phải nhờ nỗ lực của cơ quan điều tra mà nhờ lòng trắc ẩn còn sót lại của hung thủ thật sự gây ra vụ án. 

“Đồng hành” cùng ông Nén còn có người tù “nổi tiếng” là ông Chấn Bắc Giang phải uổng phí 10 năm trong tù vì những kết luận sai trái của cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử và lần này nếu không có sự nỗ lực của người thân ông Chấn thì chắc chắn giờ này ông vẫn thụ án với tội danh giết người. 

Những tưởng rằng hai vụ án oan thấu trời này là giới hạn cuối cùng của sự tắc trách, nhưng một lần nữa những con người có lương tri không khỏi bàng hoàng khi sự việc cụ ông Trần Văn Thêm, 80 tuổi phải chịu án oan mất 43 năm, tức là cụ chịu tiếng oan từ năm 1973 đến nay. 

Ngày 11.8, cụ Thêm đã được minh oan bằng lời xin lỗi của Tòa án nhân dân tối cao, nhưng cả cuộc đời cụ coi như đã mang án tù, danh tiếng, danh dự và nhân phẩm của một con người chắc chắn không gì có thể bù đắp nổi. Lời xin lỗi dù có “chân thành”, “sâu sắc” đến đâu chăng nữa cũng khó làm vơi nỗi đau suốt gần một ½ thế kỷ, thật khó có thể tưởng tượng! 

Mỗi vụ án, mỗi tình tiết khác nhau. Nhưng “con đường” dẫn ông Nén, ông Chấn và cụ Thêm vào với nhà tù đều y chang nhau: Đó là sự tắc trách của cơ quan chức năng, mà ở đây là quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nếu quy trình này không gặp sai sót ở khâu nào đó thì cớ sao lại bỏ tù oan người vô tội? Nói gì thì nói, nhưng việc bắt giam và quy tội không đúng dù chỉ một phút một giây cũng là sai chứ đừng nói hàm oan cả cuộc đời con người. 

Cả 3 vụ án oan “nổi tiếng” trên đều được giải bằng nỗ lực cá nhân của gia đình và “hung thủ”, có nghĩa rằng cơ quan chức năng đã nghiễm nhiên phủi tay xong việc khi tìm được người để khép tội, và đưa họ vào tù bằng bản án lạnh lùng thiếu vắng lương tâm và lòng trắc ẩn. 

Công việc điều tra, truy tố, xét xử…không phải đơn giản và trơ trọi theo kiểu miễn tìm ra hung thủ và khép họ vào một tội danh nào đó là xong, mà ở đây còn có cả sự nhạy cảm, cảm quan, lương tâm của những người thực thi công lý, bởi ông bà ta xưa có câu “tình ngay lý gian”. 

Nhiều người cho rằng nên thông cảm với những vụ án xảy ra trước năm 1975 vì trình độ điều tra còn hạn chế. Tuy nhiên có một nguyên tắc trong ngành tư pháp chắc chắn ai cũng phải biết rằng phàm kết luận cái gì cũng cần có bằng chứng cụ thể và nguyên tắc điều tra luôn phải trọng chứng hơn trọng cung. Có thể “hung thủ” nhận tội vì bị bức cung hay mớm cung, nhưng lời khai vẫn chưa quan trọng bằng tang chứng, vật chứng. 

Trong mọi công việc, xác xuất sai số là điều cho phép trong ngưỡng có thể chấp nhận nếu không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Còn những vụ án oan theo kiểu tước đoạt quyền công dân, phá nát danh dự nhân phẩm của không những một con người mà còn cả gia đình, dòng họ là sai phạm vô cùng nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để làm gương. 

Án oan, đây không chỉ là nỗi đau của nạn nhân và gia đình họ mà là nỗi đau của nhiều người có lương tri, của toàn xã hội, là dấu hỏi lớn của ngành Tư pháp. Chẳng ai biết được rồi đây có còn những cái án oan tận mây xanh nữa hay không nếu sự tắc trách, thiếu lương tâm còn tồn tại. 

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin bài liên quan


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn