MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học VNEN tại lớp 2C, Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Lê Văn Vỵ

Bài học từ VNEN: Đừng phát triển giáo dục theo kiểu chỉ huy

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/08/2017 13:00
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục Việt Nam - nhận định: Muốn phát triển giáo dục thì đừng làm theo kiểu chỉ huy.

Năm học mới bắt đầu, việc áp dụng mô hình VNEN tiếp tục gây những tranh cãi khi các địa phương tuyên bố “khai tử” VNEN. Một số địa phương khác lại đang loay hoay việc dừng hay tiếp tục triển khai mô hình này.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục Việt Nam - cho rằng: Mô hình VNEN về phương pháp và định hướng là rất tốt. Tuy nhiên, VNEN đòi hỏi trình độ giáo viên phải thực sự biết cách đổi mới trong dạy học và số lượng học sinh trong một lớp phải đảm bảo thì mới có điều kiện để thực hiện được.

Hiện nay, chúng ta đang áp dụng máy móc, áp đặt khi huy động tất cả mọi địa phương đều thực hiện VNEN khi điều kiện chưa đáp ứng. Để thành công, dự án cần có thêm thời gian để chuẩn bị, đặc biệt là huấn luyện đội ngũ giáo viên một cách kĩ càng. Giáo viên hiện nay của chúng ta chưa đủ trình độ và phương pháp để giảng dạy mô hình mới này. Việc Bộ GDĐT triển khai vội vàng, áp đặt là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại.

“Tôi cho rằng chủ trương mới của Bộ GDĐT là các địa phương chủ động quyết định trên tinh thần đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình VNEN và tinh thần tự nguyện của nhà trường, học sinh, phụ huynh là hoàn toàn hợp lý. Muốn phát triển giáo dục thì đừng làm theo kiểu chỉ huy”, ông Lâm nói.

Từ kinh nghiệm làm dự án của chính mình, ông Lâm cho biết, dự án nào cũng do chúng ta chủ động xây dựng kế hoạch. Đơn vị tài trợ chỉ là người thông qua và cấp tiền. Nguyên tắc làm việc của đối tác nước ngoài là khi chúng ra xây dựng kế hoạch thế nào thì cần thực hiện như thế ấy. Nếu có thay đổi phải chứng minh được lí do của mình chứ không phải tuỳ tiện, lúc thích làm thế này, lúc thích làm thế khác. Vì thế chương trình, kế hoạch cần xây dựng chặt chẽ và phù hợp.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục Việt Nam cũng lưu ý các đối tác nước ngoài rất quan tâm đến tính bền vững. Tại một vài tổ chức, họ sẽ để lại một khoản tiền trong tổng số kinh phí của chương trình để tài trợ cho các đơn vị tiếp tục duy trì và thực hiện tốt chương trình sau khi dự án kết thúc.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - lại nhấn mạnh, giáo dục không phải là thí điểm. Giáo dục là thực nghiệm, phải chắc chắn mới được làm.

GS Phạm Tất Dong kiến nghị Chính phủ cần đưa ra Quốc hội, chỉ đạo ngành giáo dục làm gì trong thời gian tới chứ không thể buông như hiện nay. Bộ cứ làm, Quốc hội chất vấn thì chưa giải quyết được những tồn tại. Cần xem xét những chương trình bộ cho thí điểm có đáp ứng thực tiễn, nếu không đạt được phải rút kinh nghiệm và tránh lặp lại sai lầm.

Hiện, chúng ta cần một hội đồng giải quyết vấn đề giáo dục để tìm ra hướng đi mới. Bộ cần mời các chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài để bàn tính xem mục tiêu giáo dục của chúng ta. Chúng ta dự định đào tạo nguồn nhân lực phát triển theo hướng nào, giáo dục trẻ em giai đoạn này ra sao, cần có mục tiêu và xây dựng xã hội học tập trong cả nước; trên cơ sở đó định ra từng bước phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn