MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giúp đỡ người khuyết tật là hành vi đẹp trong ứng xử nơi công cộng (Ảnh minh họa theo Báo mới)

Ban hành “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”: Có cần thiết hay không?

Minh Đức LDO | 05/02/2017 09:54
Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội có cần thiết hay không, bởi hầu hết các nội dung của Bộ Quy tắc đã được pháp luật điều chỉnh?
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xin ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội về Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Nội dung Bộ Quy tắc nêu rõ các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn phải tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái…

Vấn đề đặt ra là việc ban hành Bộ Quy tắc này có cần thiết hay không, trong khi hầu hết các nội dung của Bộ Quy tắc đã được pháp luật điều chỉnh.  

Ví dụ, Bộ Quy tắc nêu những việc người dân không nên làm ở nơi công cộng đó là: Không nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Không kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; Không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; Không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định… đã được quy định tại Điều 5, 6, 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 23 quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; và mới đây nhất là Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó đã tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng như hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng; hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng…

Vậy tại sao các nghị định xử phạt các hành vi vi phạm có hiệu lực pháp lý cao hơn đã quy định cụ thể, nay lại đưa các quy định này vào Bộ Quy tắc, liệu có dư thừa hay không? Do đó, theo tôi, các nội dung trong Bộ Quy tắc đã được pháp luật điều chỉnh thì không cần thiết phải quy định lại; chỉ quy định những vấn đề mới, mang tính chất tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, cần phải đảm bảo thực thi các quy định xử phạt một cách hiệu quả, nghiêm túc, tránh tình trạng “nhờn luật” của người dân.

Đối với các nội dung khác của Bộ Quy tắc như thành phố khuyến cáo người dân không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan; Không tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định; Không viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng; Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm; Không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng. Đây là những nội dung vận động người dân chấp hành để giữ gìn văn minh đô thị của thành phố, tuy nhiên việc khuyến cáo không đồng thời kèm theo các chế tài nên cơ chế bắt buộc thực hiện đối với người dân là không cao.

Riêng nội dung khuyến cáo “không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm” thì hiện nay không có chế tài để xử lý. Những trường hợp ăn mặc hở hang, phản cảm chỉ bị xử phạt trong trường hợp liên quan đến các hoạt động biểu diễn.

Điều chưa phù hợp của nội dung trong Bộ Quy tắc đó là, nêu rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Lưu ý rằng, việc phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề nhạy cảm, cần phải thận trọng, bởi vì nó liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trong trường hợp, bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nếu gây hậu quả nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm của người bị phê bình thì sẽ phải bồi thường thiệt hại về vật chất, lẫn tinh thần.

Trước đây, để giáo dục, răn đe người vi phạm, ngoài việc xử phạt vi hành chính, có ý kiến cho rằng cần phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với người vi phạm Luật Giao thông đường bộ và những người mua bán dâm, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn không thực hiện được. Lý do là việc công khai dễ phát sinh những hậu quả đáng tiếc mà không thể lường hết được, bị dư luận phản đối, sau đó ý tưởng này đã loại bị loại bỏ.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì mục đích của việc xây dựng Quy tắc trên nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh. Nhưng tôi cho rằng, để xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh… thì cần phải đề ra các giải pháp thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính nêu trên mà không nhất thiết phải xây dựng Bộ Quy tắc, vừa thiếu hiệu lực pháp lý, vừa không có cơ chế để đảm bảo thi hành.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn