MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người hâm mộ xếp hàng chờ nhận vé (ảnh: kenh14.vn).

Bán vé theo công nghệ web 2.0, xếp hàng nhận vé… theo công nghệ 0.2

Thế Lâm LDO | 01/12/2018 14:50
15.000 vé bán online đã xong. Đó là lần đầu tiên, số lượng vé của một trận bóng đá (Việt Nam – Philippines, ngày 6.12) được bán online nhiều nhất qua web 2.0 dù nó cũng mới chỉ chiếm 37,5% tổng lượng vé.

Nhưng cũng là lần đầu tiên hoặc rất hiếm khi, cả bên bán là BTC thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và người mua phải… tận dụng cùng lúc hai phương thức là mua vé online trên web 2.0 rồi đi nhận vé tại trụ sở VFF (đường Lê Quang Đạo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) theo… công nghệ xếp hàng 0.2.

Như vậy có thể thấy, dù cố gắng đi nữa thì VFF cùng với đối tác công nghệ của họ ứng dụng công nghệ vào việc bán vé chưa tới.

Một câu chuyện bộc lộ sự khôi hài. Ví như một người ở xa xôi Mũi Cà Mau, sau khi mua vé thành công trên online, lại phải khăn gói đến trụ sở VFF tận Hà Nội để nhận vé? Thực sự sẽ nảy sinh nhiều phiền phức vì ngày nhận vé là 30.11 còn cách 6 ngày trận đấu mới diễn ra. Điều đó cho thấy, VFF còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết để xóa đi tình huống khôi hài “mua vé online – nhận vé offline” như vậy.

Hàng không là ngành kiểm soát việc mua vé và đi máy bay của hành khách thuộc loại nghiêm nhất trong các ngành từ trước tới nay. Song cũng đã từ lâu, hành khách sau khi mua vé online, có thể checkin online và chọn chỗ ngồi, mua hành lí, nhận về vé điện tử với số vé, QR code qua email hoặc tin nhắn SMS điện thoại di động. Khi đến sân bay hành khách chỉ việc mở vé điện tử ra để nhân viên soát vé hàng không và an ninh sân bay dùng máy quét QR code là xong.

Với vé xem bóng đá, mệnh giá vé thấp hơn và cũng thường xuyên xảy ra trường hợp mua giúp, một người mua cho tập thể, chuyển nhượng vé… Điều này cũng không phải là không thể giải quyết. Thậm chí nếu có giải pháp giải quyết tốt về cả mặt kĩ thuật công nghệ và quản lí thì còn giúp hạn chế được tình trạng đặt vé để mang ra bán chợ đen của không ít đối tượng.

Buổi chiều ngày 30.11 trong hàng trăm người đứng xếp hàng trước trụ sở VFF, có không ít người từ các tỉnh về để nhận vé đã đặt. Những người này, nếu họ thực sự đặt mua vé để xem, thì buộc phải chọn 1 trong 2 phương án: Ở lại Hà Nội thêm gần cả tuần hoặc về nhà/quê rồi đến ngày 6.12 mới ra lại Hà Nội để xem bóng đá. Thật là nhiêu khê, phiền phức, mất thời gian công sức đi lại và cả chi phí tiền bạc cho việc đi lại, ăn ở… Còn về phía BTC lại phải tốn thêm nguồn lực để giao vé, giữ an ninh trật tự, thêm tốn kém…

Bán vé theo công nghệ 2.0 nhưng ứng dụng công nghệ nửa vời cho nên… không giải quyết rốt ráo được vấn đề. Có lẽ từ lần bán vé này, VFF phải tính tới những giải pháp ứng dụng công nghệ toàn diện và dài hạn hơn, để mang đến tiện ích và lợi ích nhiều hơn cho người hâm mộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn