MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Bắt bác sĩ Lương vụ chạy thận: Dấu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện

Bích Hà LDO | 28/06/2017 18:53
Những giờ qua, không ít người đã bày tỏ tiếc nuối cho bác sĩ Hoàng Công Lương, người vừa bị bắt tạm giam sau tai biến chạy thận làm 8 người tử vong hôm 29.5 tại Hòa Bình. Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu việc bắt tạm giam bác sĩ Lương có đúng người đúng tội? Trách nhiệm của những người đứng đầu khác ở đâu trong câu chuyện đau lòng xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình?

Nhiệm vụ của bác sĩ không phải là sửa chữa máy móc!

Vụ 8 bệnh nhân chạy thận ở BVĐK Hòa Bình tử vong là một tai nạn đau lòng trong ngành y. Hiện 3 người đã bị khởi tố và tạm giam, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986, trú tại Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội), công tác tại khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ Lương bị bắt tạm giam với tội danh "Vi phạm quy định về chữa bệnh".

Sau khi Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc, Tổng Hội Y học Việt Nam có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại việc khởi tố BS Lương, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến về Báo Lao Động, với mong muốn cơ quan điều tra cần kết luận một cách khách quan để tránh oan sai.

Đa phần độc giả đồng tình với ý kiến của GS -TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc - rằng “Khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính” và xử lý hình sự với bác sĩ Lương là quá nặng!

“Mong rằng lãnh đạo ngành y tế lên tiếng bảo vệ cái đúng, bảo vệ bác sĩ không phạm tội. Bác sĩ Lương đã thực hiện đúng "quy trình" khi chạy thận cho bệnh nhân còn "nguồn nước" như thế nào thì thuộc trách nhiệm của người khác!” - là ý kiến của độc giả Nguyễn Phi Hùng.

Nhiều bạn đọc khác cho rằng nhiệm vụ của bác sĩ là chữa bệnh cứu người, qua vụ bác sĩ Lương bị tạm giam, chẳng lẽ bác sĩ phải học thêm nghề sửa chữa máy và thiết bị y tế?

“Thiết bị y tế nào cũng cần bảo dưỡng định kỳ. Thiết bị đang bảo dưỡng phải dán nhãn màu đỏ ghi rõ là "đang sửa chữa". Thiết bị bảo dưỡng xong, được phép sử dụng, phải dán nhãn màu xanh ghi rõ là "an toàn sử dụng". Trường hợp cho phép, nên đưa thiết bị về xưởng sửa chữa và chỉ lắp lại vị trí cũ khi đã hoàn thành. Nếu bệnh viện thực hiện đúng quy trình trên, tai nạn nghề nghiệp sẽ giảm thiểu. Việc yêu cầu bác sĩ Lương chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị y tế, theo tôi là không thỏa đáng. Bác sĩ chỉ là người sử dụng thiết bị y tế tại chỗ. Bác sĩ chữa bệnh cũng không yêu cầu phải biết chi tiết thiết bị đó vừa sửa chữa hay không. Việc sửa chữa, duy trì chất lượng thiết bị là trách nhiệm của phòng kỹ thuật, vật tư bệnh viện” – bạn đọc Nguyễn Trai chia sẻ quan điểm.

Trước nguy cơ cánh cửa tương lai tốt đẹp đã gần như khép lại trước mặt người bác sĩ trẻ, một độc giả thốt lên chua xót: “Bác sĩ đào tạo ra là để cứu người, và vị bác sĩ này đã sử dụng máy móc của bệnh viện, của sở y tế cấp cho bệnh viện vậy mà lỗi sai lại thuộc về bác sĩ???? Làm bác sĩ ngoài cứu chữa cho bệnh nhân, có lẽ bây giờ cần phải học thêm thợ sửa chữa máy?  Sau vụ việc này, tâm huyết nghề nghiệp có còn không?”.

Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can, bắt giam 3 đối tượng gây ra cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Người đứng đầu bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương, không ít người đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện ở đâu, tại sao chỉ mình bác sĩ Lương rơi vào vòng lao lý.

“Rõ ràng bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm, vì chưa có chứng chỉ nguồn nước đạt yêu cầu đã cho chạy máy. Nhưng dư luận cũng đang muốn hỏi trách nhiệm của giám đốc bệnh viện ở đâu, BV đã có quy trình chạy máy chưa và ai sẽ là người phải kiểm tra xác nhận việc sửa chữa máy, việc kiểm định nguồn nước ai là người duyệt? – một độc giả đặt câu hỏi.

Ngoài ra, một loạt vấn đề khác bạn đọc cũng kiến nghị cơ quan điều tra cần làm rõ, để xử lý đúng người đúng tội, như: Ai là người đã ký quyết định để lựa chọn những thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng?

Ai là người đã tắc trách trong vận hành máy để lượng hóa chất tồn dư trong nguồn nước chạy thận cho bệnh nhân vượt hàng trăm lần mức cho phép? Đó mới là những người phải bị khởi tố, bắt tạm giam chứ không phải bác sĩ - người đã hết lòng cứu chữa bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn