MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt đường QL1 thuộc dự án BOT Cai Lậy xuống cấp. Ảnh: Zing

Bất cập trạm thu phí BOT Cai Lậy: Bộ Giao thông Vận tải không thể làm trọng tài

QUANG ĐẠI LDO | 19/08/2017 08:38
Căn cứ theo nội dung Kết luận mới ban hành của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đặt “nhầm chỗ” và thu phí không đúng quy định. Vụ việc này, nếu để Bộ GTVT xử lý sẽ không khách quan.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông, gồm 7 dự án (5 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án kết hợp cả BOT và BT).

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kết luận, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiều dự án cải tạo đường cũ và xây dựng đường mới thành một dự án sau đó thu phí ở hai nơi. Đây là việc làm không hợp lý. Theo quy định, việc cải tạo đường cũ này phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Bộ GTVT phê duyệt ghép vào là không đúng quy định.

Đối chiếu với nhận định nói trên, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã “đặt nhầm chỗ”. Bởi vì việc đầu tư cải tạo QL1 phải là từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Doanh nghiệp chỉ đầu tư một phần nhỏ (400/1.400 tỷ) để lấy cớ đặt trạm thu phí là không hợp lý.

Trong thuật ngữ BOT, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng (build) công trình, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.

Đối chiếu với định nghĩa nói trên, việc nâng cấp mặt đường QL1 không thể thuộc danh mục dự án BOT. Bởi vì, không có dự án, thì QL1 cũng đã hình thành từ trước và đang vận hành bình thường.

Doanh nghiệp chỉ có thể chuyển giao một công trình mới do họ đầu tư, chứ không thể “chuyển giao” quốc lộ 1 cho Nhà nước, vì vốn dĩ công trình đã thuộc quyền sở hữu, quản lý của Nhà nước.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Infonet

Do đó, việc đặt trạm thu phí (bây giờ gọi là thu giá) trên QL1 là trái quy định của pháp luật.

Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và doanh nghiệp không thể trái với các quy định của Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ.

Với vụ việc này, Bộ GTVT đứng ra làm “trọng tài” để xử lý sẽ không khách quan. Bởi vì chính cơ quan này đã đồng ý với phương án đặt trạm thu phí trên QL1, nên bây giờ sẽ tìm cách bảo vệ quan điểm của mình.

Báo chí vừa phát hiện trên tuyến đường 26km mà doanh nghiệp “tăng cường mặt đường”, đã có hiện tượng xuống cấp, xuất hiện ổ gà.

Việc giảm phí tại trạm này, chỉ là động thái xoa dịu bức xúc của dư luận, nhưng bản chất câu chuyện không thay đổi, vì sẽ kéo dài thời hạn thu phí.

Để giải quyết vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy, cần sự vào cuộc của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, cho thanh tra, kiểm toán toàn bộ dự án, để có cơ sở giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn