MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sẽ bị chấm dứt hợp đồng sau kỳ thi tuyển viên chức năm 2018. Ảnh: H.LONG

Bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm: “Thụt lùi” về cơ chế bao cấp?

QUANG ĐẠI LDO | 28/08/2018 07:00
Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có nội dung sẽ bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm được nhiều chuyên gia đồng thuận.

Ngày 24.8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học. 

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này có nội dung: Đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và tín dụng sư phạm.

Việc phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ giải quyết được bài toán mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng, tránh tình trạng thiếu giáo viên hoặc sinh viên sư phạm thất nghiệp tràn lan như hiện nay. Đồng thời, tạo động lực để thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm.

Tuy nhiên, nếu được thông qua, chính sách nói trên sẽ gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Thứ nhất là bài toán việc làm cho hàng nghìn sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, sản phẩm của quá trình đào tạo không gắn với sử dụng nhiều năm trở lại đây.

Nay có cơ chế mới, sẽ bố trí cho những em này như thế nào? Nếu gạt ra thì trái luật mà bố trí tất cả thì không xuể; hoặc chỉ bố trí cho những sinh viên tốt nghiệp sau khi luật mới có hiệu lực thì sẽ tạo ra sự mất công bằng.

Thứ hai, để bố trí được việc làm cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, đòi hỏi sự thống kê, khảo sát chặt chẽ, chính xác về nhu cầu giáo viên của từng vùng, từng cấp, từng môn trong một khoảng thời gian nhất định để lên kế hoạch đào tạo.

Việc này là rất khó, vì nhiều lý do, trong đó có cả nguyên nhân của việc chương trình, sách giáo khoa thay đổi, dẫn đến những biến động về nhu cầu giáo viên mà khâu đào tạo có những giai đoạn không đáp ứng kịp.

Việc đào tạo theo địa chỉ - bố trí công việc sau khi tốt nghiệp sẽ tạo ra tâm lý ổn định, yên tâm học tập, nhưng đồng thời cũng làm giảm sút ý thức phấn đấu, triệt tiêu sự nỗ lực, cạnh tranh trong học tập của sinh viên.

Cách làm như trên cũng có nghĩa là chúng ta trở lại cơ chế bao cấp, khép kín, với không ít hạn chế, tồn tại. Trong khi nền giáo dục cũng như cuộc sống hiện đại đòi hỏi sự cởi mở, nỗ lực, cạnh tranh, đổi mới liên tục.

Thiết nghĩ, một cơ chế, giải pháp nào cũng có tính chất hai mặt: tích cực và tiêu cực, thuận lợi và khó khăn, rất cần được bàn bạc, cân nhắc thấu đáo trước khi thể chế thành các điều luật.

Trong điều kiện nghề giáo còn nhiều áp lực, thu nhập chưa cao, bài toán thu hút nhân tài và tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ nhà giáo còn rất nan giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn