MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cướp lộc hoa tre tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2016. Ảnh: ZING

Bỏ tục cướp hoa tre tại Lễ hội đền Sóc: Quản không được thì bỏ?

QUANG ĐẠI LDO | 21/02/2018 13:00
Trước tình trạng hỗn loạn dẫn đến ẩu đả không kiểm soát được khi đám đông tranh nhau “cướp” lộc hoa tre, ban tổ chức Lễ hội đền Sóc đã cam kết bỏ tục lệ nói trên trong năm nay.

Quyết định nói trên gây nhiều tranh cãi. Chắc hẳn BTC đã rất “đau đầu” trước khi đưa ra quyết định bỏ tục lệ cướp lộc. Tình trạng tranh cướp hoa tre, trầu cau đã dẫn đến ẩu đả, mất kiểm soát, làm mất đi tính tôn nghiêm của lễ hội và ảnh hưởng an ninh trật tự, gây phản cảm, diễn ra trong nhiều năm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa đồng tình, băn khoăn về quyết định nói trên. GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho rằng nên thận trọng trong việc thay đổi những nghi thức văn hóa mang tầm nhân loại, mỗi trò diễn là sản phẩm của rất nhiều thế hệ đã được thừa nhận.

“Các trình diễn, trò diễn của Lễ hội đền Phù Đổng và Lễ hội đền Sóc đã nằm trong hồ sơ Việt Nam trình UNESCO để vinh danh năm 2010. Những thay đổi khiến cho người ta có thể hiểu khác đi giá trị của lễ hội, giá trị mang tầm nhân loại của lễ hội thì nên thận trọng”, ông Bền nói.

Tục “cướp lộc” đã trở thành một yếu tố của di sản, được lưu truyền từ hàng trăm năm qua, được các thế hệ gìn giữ, bảo lưu. “Cướp lộc” là dựng lại thần tích, để mọi người lấy may, xin lộc thánh, đồng thời cũng là dịp thi thố sức khỏe, sự nhanh nhẹn, làm nên không khí náo nhiệt của lễ hội.

Hoa tre hay trầu cau cũng không phải là vật có giá trị lớn mà chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Việc bỏ tục này (dù bất đắc dĩ) cũng đã làm mai một giá trị di sản.

Đành rằng, di sản, phong tục cũng không phải nhất thành bất biến, những yếu tố không phù hợp với quan niệm, lối sống hiện đại, văn minh cần điều chỉnh, loại bỏ. Thời gian qua, nhiều tục lệ bạo lực, dã man, phản cảm tại lễ hội như đâm trâu, treo cổ trâu, chém lợn… đã được hủy bỏ hoặc thay đổi. Một số lễ hội chọi trâu mới mở mang tính “ăn theo” vì mục đích thương mại hóa cũng đã bị dẹp bỏ.

Tuy nhiên, bỏ cái gì, thay đổi cái gì và nên bảo tồn cái gì là điều cần được nghiên cứu hết sức thận trọng, sao cho phù hợp với các yếu tố văn hóa, khoa học và nguyện vọng của người dân.

Còn chạy theo dư luận, hành động vì áp lực dư luận, hễ có cái gì bị dư luận phản ứng là bỏ, điều chỉnh… thì chúng ta sẽ đánh mất bản sắc văn hóa, “hòa tan” trong xã hội hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn