MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không tâm thư, không bảng cam kết nhưng người dân xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi đã bảo vệ thành công những cánh rừng với những gốc cây cổ thụ. Ảnh: NĐT

Bức tâm thư và bản cam kết liệu có bảo vệ được rừng?

Nguyễn Đắc Thành LDO | 14/04/2018 11:36

Những cánh rừng ở Quảng Nam tiếp tục bị lâm tặc đốn hạ, hình ảnh về những gốc cây to lớn ngã rạp xuất hiện dày đặc trên mặt báo. 

Không có cách nào để ngăn chặn được tình trạng rừng bị chảy máu, chính quyền nơi đây buộc phải dùng đến bản cam kết và tâm thư để gửi cho lực lượng kiểm lâm.

Sự bất lực của lực lượng kiểm lâm khiến tôi nhớ đến những tán rừng cổ thụ còn nguyên sinh do người dân bản địa gìn giữ. Một thôn ở xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi dưới những tán rừng nguyên sinh là nhà cửa của cư dân bản địa. Họ sống tựa lưng vào núi vào rừng. Không ai bảo ai, những hộ dân ở đó lập ra một đội để bảo về rừng, thay phiên nhau đi tuần ra.

Cách đây hai năm, tôi đã đến đó. Họ không ngần ngại dẫn tôi vào sâu bên trong rừng, những gốc cây cổ thụ to lớn phải năm người ôm mới hết. Cả khu rừng chưa có dấu của một gốc cây nào bị chặt phá.

Tôi gọi vui và ví von họ là “đội kiểm lâm thôn”.

Những con người ở đó không thuộc biên chế của lực lượng nào cả, không một đồng trợ cấp, không một dụng cụ tuần tra nào uy lực để bảo vệ họ nếu không may gặp phải lâm tặc nhưng họ đã bảo vệ rừng thành công.

Cách đây vài hôm, đọc thông tin trên báo thấy chính quyền Quảng Nam ra bản cam kết với lực lượng kiểm lâm rằng không được tiếp tay cho lâm tặc. Và nếu vi phạm sẽ bị xử lý ở mức cao nhất.

Và vài ngày sau, giữa đêm hôm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải thức dậy lúc 0 giờ để viết tâm thư tiếp tục gửi cho lực lượng kiểm lâm.

Bức thư có đoạn: “...một số đồng chí đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời chi phối dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội...”.

Những người dân với tay không, không một đồng trợ cấp nhưng họ bảo vệ được rừng. Cũng với sức người nhưng được trang bị súng ống, có lương bổng hẳn hoi lại để rừng liên tục chảy máu. 

Để rồi ông Phó Chủ tịch tỉnh phải nhấn mạnh trong tâm thư: “... Nhiều vụ xảy ra từ lâu, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, các cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quý hiếm gục ngã mà các đồng chí lại không biết. Gỗ to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai người dân địa phương đều biết mà các đồng chí lại không biết, hoặc biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc...”.

Khi sự thờ ơ với rừng và thậm chí là “không biết, nói mà không làm, làm mà không tận gốc...” và nguyên nhân lực lượng mỏng, địa hình phức tạp khiến công tác tuần tra gặp khó khăn được đưa ra để chống chế thì liệu những bản cam kết những bức tâm thư như vậy có bảo vệ được rừng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn