MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh vị Giáo sư với quần sooc ngồi thuyết trình về đổi mới tư duy sáng tạo.

Cái quần soóc và sự cởi trói chính mình

Xuân Hùng LDO | 28/04/2017 18:45
Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - mặc quần soóc, áo phông thuyết trình về thay đổi tư duy đang “gây bão” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội những ngày qua.

“Bão” là đúng thôi. Chẳng có cái mới nào, đặc biệt sự đổi mới trong tư duy không gặp sự phản đối. Cái quần hay cái áo chỉ là cái ngoài da, nó là sự biểu hiện của tư duy. Để thay đổi được cách ăn mặc của mỗi người, mỗi nhóm người, rộng ra, cả dân tộc là điều không phải dễ. Đó phải là cả quá trình nhận thức.

Những năm đầu thế kỷ XX, khi những nhà dân chủ, tiểu tư sản tiếp xúc với văn hóa Tây phương, một làn gió mới đã thay đổi dần tư duy của họ. Nhu cầu canh tân, đổi mới như một sự thôi thúc mạnh mẽ. Một trong những biểu hiện đầu tiên là đổi mới cách ăn mặc. Những bộ quần the, áo lĩnh dần được thay bằng quần âu, áo sơmi. Thanh niên canh tân còn cầm kéo đứng cổng chợ, thấy người trẻ mặc áo dài là… cắt. Thời điểm lịch sử đó thường được gọi là buổi giao thời. Không chỉ “giao thời” trong khung thời gian thế kỷ mà còn là sự “giao thời” trong tư tưởng văn hóa, trong nhận thức về chính mình.

Cuối cùng, cái cần thay đổi sẽ phải thay đổi. Lịch sử dù phát triển theo nhiều chiều nhưng xu hướng vẫn là phát triển. Những giá trị văn hóa mang tính bản chất của một dân tộc không thể bị thay đổi, nhưng nhiều biểu hiện văn hóa, tư tưởng từng là giá trị khi đã hết vai trò lịch sử sẽ phải chấp nhận thay đổi bằng những biểu hiện, tư tưởng mới tiến bộ hơn.

Trong thời buổi thế giới phẳng như hiện nay, thiết nghĩ chúng ta không nên chờ đến “cởi trói” mà nên tự thích nghi và thay đổi cho phù hợp xu hướng. Nên nghĩ đến chuyện thay áo mới khi đứa trẻ đang lớn chứ không nên chờ chiếc áo cũ quá chật, bó buộc sự phát triển của cơ thể mới thay.

GS Trương Nguyện Thành chấp nhận “gạch đá” để minh chứng cho việc cần thay đổi tư duy để sáng tạo cũng chẳng khác gì những thanh niên canh tân cầm kéo cắt ống quần thế kỷ trước. Những người đó chắc chắn cũng từng nhận không ít “gạch đá” của tư tưởng bảo thủ, có khi còn bị nguyền rủa là chạy theo văn hóa ngoại lai, không yêu nước. Nhưng thực chất, lịch sử đã chứng minh, họ là những người yêu nước nhất.

GS Thành là nhà giáo dục có tư tưởng canh tân, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo chứ không phải nhà thiết kế thời trang. Cá nhân ông không cổ vũ cho lối ăn mặc kệch cỡm nhưng hình ảnh vị GS phá cách về trang phục trên diễn đàn cho chúng ta nhiều suy nghĩ về những thông điệp vị GS này truyền tải.

Đã đến lúc cần tỉnh táo nhìn nhận, sờ nắn sợi dây vô hình đang dần dần trói chính ta. Sợi dây đó đang hiện hữu trong nếp nhăn của vỏ não chúng ta. Nó là lối mòn trong tư tưởng văn hóa, trong tư duy kinh tế và trong nhận thức về xu hướng phát triển của con người. Chỉ riêng việc luôn cho mình đúng, cho mình là ưu việt, là không thể thay đổi đã là sợi dây khá to và siết chặt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn