MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành vi tát nữ nhân viên của Khánh Casa - theo luật sư có thể bị xử phạt hành chính. Ảnh: cắt từ clip

Cái tát của Khánh Casa, đừng để phản biện phản tác dụng!

Thủy Lâm LDO | 15/08/2017 07:26
Mấy ngày qua, cư dân mạng lại dậy sóng chỉ vì chuyện một người có tên là Vũ Khánh (tên thường gọi Khánh Casa) tát một nữ nhân viên khi hai người to tiếng với nhau.

Đây là hành động sai trái cần lên án nhưng không phải theo cách như các cư dân mạng đang làm - chửi  bới, mạt sát, tẩy chay. Cả sau khi người tên Khánh đã công khai xin lỗi thì hầu như dư luận vẫn không chịu buông tha.

Nếu như cứ nhất cử nhất động gì chúng ta cũng phải “ném đá” cho bằng được như nhiều vụ việc trong thời gian vừa qua thì không khéo sẽ đến lúc việc “ném đá” chả còn khiến người ta thấy sợ nữa và việc phản biện liệu có trở nên phản tác dụng?

Về chuyện cái tát, bản thân tôi là một phụ nữ nên rất dị ứng với những người có hành vi thô bạo với nữ giới. Song, chuyện gì ra chuyện nấy, chúng ta lên án cũng được nhưng hãy công bằng trong đánh giá bằng việc mỗi người (đang chửi và mạt sát Khánh Casa) thử tự trả lời những câu hỏi như: Nếu giả sử người đánh nhân viên chỉ là một người đàn ông bình thường, không có danh phận, không phải người thành đạt và giàu có thì bạn có ném đá dữ dội như vậy hay không?

Bản thân bạn đã đối xử với người thân của mình (mẹ, vợ, em gái...) và những người phụ nữ khác đã thật sự tôn trọng họ hay chưa? Và nếu bạn là người đó, là người lỡ thiếu kiềm chế mà vung tay cho ra một cái tát, bạn sẽ có tâm trạng như thế nào khi bị cộng đồng lên án, chửi bới và đòi tẩy chay ngay cả khi mình đã xin lỗi?

Chuyện cái tát sẽ đơn giản hơn khi chúng ta coi nó như là một bài học về thiếu sự kiềm chế của mỗi người (không chỉ riêng đàn ông), coi nó như là chuyện một người đàn ông tát một người phụ nữ nếu như chúng ta không thêm mắm thêm muối: đàn ông mà đánh phụ nữ là đàn ông vũ phu, đàn ông giàu có đánh nhân viên là đàn ông cậy có tiền bạc coi khinh người khác, đàn ông đánh phụ nữ có thai là tàn nhẫn, độc ác (thực tế, người mang thai 2 tháng thì chắc chắn là người kia không biết)...

Lên án hành động là được nhưng đừng làm quá lên, bởi cái gì quá cũng không tốt.  

Chúng ta đang nói đến một quyền lực vừa mới ra đời nhưng có vai trò rất quan trọng được gọi là quyền lực thứ 5 – quyền lực facebook. Thực tế cho thấy, thời gian qua, quyền lực thứ 5 đã giúp lan tỏa những điều tốt đẹp và đấu tranh đòi lại lẽ phải công bằng đối với nhiều cá nhân, tổ chức, xã hội.

Song, lạm dụng bất cứ thứ gì cũng có mặt trái và mặt trái của hành động “ném đá” vô tội vạ, ném đá quá nhiều, quá dễ (ai cũng có thể bị ném) sẽ đến lúc vượt ngưỡng, từ chỗ người ta sợ “ném đá” dần dần họ sẽ không còn biết sợ nữa, nhờn. Cái này bên y khoa gọi là nhờn thuốc kháng sinh. Đến lúc đó, nhiều người sẽ nghĩ rằng, ai nói gì thì nói, chửi gì thì chửi, ném gì cứ ném, việc ta ta cứ làm thì thật nguy hại cho xã hội.

"Ta nhìn thấy hạt bụi ở mắt người khác chứ không thấy cục ghèn trước mắt mình!". Cổ nhân dạy vậy, và có lẽ tôi hay bạn cũng hãy nghĩ tới câu nói này khi muốn buông ra một lời phán xét ác ý về người khác để phản biện luôn mang ý nghĩa tích cực đối với xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn